Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, kinh tế lâm nghiệp nói riêng, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Lào Cai sẽ phát triển lâm nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp bền vững, tập trung vào 2 sản phẩm chủ lực, gồm cây quế (đến năm 2025 có 52.000 ha, giá trị trên 1.200 tỷ đồng; đến năm 2030 có 66.000 ha, giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng; đến năm 2050 có 68.000 ha); vùng nguyên liệu gỗ (đến năm 2025 có 101.500 ha, giá trị trên 900 tỷ đồng; năm 2030 có 112.000 ha, giá trị 1.400 tỷ đồng; đến năm 2050 duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung với 112.000 ha).
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp tham mưu cho tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với yêu cầu sản xuất; quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; hoàn thành giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đối với vùng thấp, phát triển rừng trồng tập trung để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, thị trường. Đối với khu vực vùng cao, nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng bản địa, cây đa mục đích, phát triển lâm sản ngoài gỗ…
Tuần tra bảo vệ rừng.
Lào Cai đang chuyển đổi mạnh mẽ từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp hàng hóa (chuyển từ thực hiện theo kế hoạch sang thích ứng với thị trường), nhất là tại các huyện vùng thấp. Bước đầu, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ với hơn 90.000 ha và gắn với hệ thống cơ sở chế biến với công suất phù hợp. Xây dựng vùng trồng quế gần 45.000 ha, trong đó có gần 4.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ, gắn với 10 cơ sở chế biến tinh dầu công suất trung bình từ 60 tấn sản phẩm/năm; thị trường tiêu thụ khá ổn định trong nước và tại một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc… Hình thành các sản phẩm lâm sản mang thương hiệu Lào Cai như tinh dầu quế, ván ghép thanh, ván dán… Chủ động xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng, làm cơ sở cấp chứng chỉ rừng bền vững và quan trọng hơn là hướng tới các thị trường có giá trị gia tăng cao.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp; triển khai, thực hiện đầy đủ, toàn diện chính sách khuyến khích phát triển, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề về đất đai, huy động nguồn vốn, hỗ trợ ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, xúc tiến thương mại. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu sâu, bệnh và thích nghi vùng sinh thái để đưa vào trồng rừng. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm lâm sản, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm lâm sản chủ lực của Lào Cai. Huy động tối đa, lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất lâm nghiệp…