Một số sản phẩm dược liệu đặc hữu của Lào Cai
Cây rau quả ôn đới
Mận Tam hoa là loại trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng cao nguyên trắng Bắc Hà. Tại đây, Mận Tam hoa được trồng nhiều nhất ở các xã vùng ven trung tâm huyện như xã Na Hối, Bản Phố, Hoàng Thu Phố, Tải Giàng Phố… Mận Tam hoa Bắc Hà khi chín có màu đỏ, lớp thịt dày, giòn, ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao. Năm 2015, Mận Tam hoa Bắc Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Cây mận được bà con các dân tộc thiểu số nơi đây gọi là cây xóa đói giảm nghèo, bởi nhiều hộ gia đình trở nên khá giả từ nguồn thu Mận Tam hoa. Bên cạnh đó, những vườn mận trồng quanh thị trấn, trên nương đồi và dọc các cung đường du lịch đã tạo nên hình ảnh rất đặc trưng cho Bắc Hà, đặc biệt vào mùa hoa mận nở rộ, hay mùa mận chín.
Ngoài Mận Tam hoa Bắc Hà, Lào Cai còn một số giống cây ăn quả đặc hữu khác như: Lê Tai Nung (Lê VH6) được trồng nhiều tại Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa với diện tích trên 700 ha; thịt quả vị ngọt, mát, có hương thơm đặc trưng, hàm lượng canxi khi chín cao vượt trội so với các giống lê khác. Quýt Mường Khương với vị ngọt thanh, quả mọng nước được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Gạo Séng Cù Mường Khương có chất lượng cao, dẻo, thơm, vị đậm, được khách hàng ưa chuộng, sản lượng hơn 1.500 tấn/năm…
Rau Su su Sa Pa là sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng biết đến từ lâu. Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng. Hiện tại, rau Su su đang được Hợp tác xã Hoa Đào tiến hành xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, đóng gói, có bao bì, tem nhãn. Sản phẩm quả Su su Sa Pa được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Su su Sa Pa.
Rau ôn đới trái vụ cũng là một trong những sản phẩm đặc hữu của Lào Cai. Các loại rau ôn đới trái vụ như bắp cải, cải thảo, củ cải, cải xoăn… được trồng tập trung tại Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà với diện tích khoản hơn 100 ha, cho thu hoạch khoảng trên 3000 tấn mỗi năm. Rau Bắc Hà, Rau an toàn Sa Pa đều được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Cây dược liệu
Tỉnh Lào Cai có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị y dược rất cao như Tam thất, Atiso, đương quy… với diện tích 1500 ha tập trung tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát với sản lượng khoảng 3200 tấn khô các loại.
Cây Atiso được trồng và phát triển chủ yếu trên địa bàn huyện Sa Pa. Do có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên Atiso cho năng suất cao, chất lượng tốt. Các sản phẩm được chế biến từ cây Atiso đều được đóng trong lọ, hộp, dán nhãn mác đầy đủ, có địa chỉ và tên cơ sở sản xuất nên bước đầu tạo được niềm tin cho người sử dụng. Dược liệu Atiso tại Sa Pa đã được Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) công nhận đạt tiêu chuẩn GACP – WHO, đây là được liệu đầu tiên tại miền Bắc được công nhận đạt tiêu chuẩn này.
Trưng bày sản phẩm Atiso Sa Pa tại Hội nghị Phát triển dược liệu vùng tây Bắc
Các sản phẩm dược liệu khác như Tam thất, đương quy cũng dần được người tiêu dùng biết đến. Tỉnh Lào Cai đã xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020 với mục tiêu mở rộng diện tích đạt 3.700 ha, trồng 22 loại cây dược liệu với sản lượng khoảng 12 nghìn tấn.
Sản phẩm từ chăn nuôi
Một số huyện của Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát với khí hậu ôn đới đặc trưng là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Sản phẩm từ cá nước lạnh có giá trị dinh dưỡng cao, thực phẩm hàng đầu cho sức khỏe. Hiện nay cá nước lạnh có tổng sản lượng khoảng 600 tấn/năm và đem lại thu nhập khá cao cho người sản xuất. Cá nước lạnh Sa Pa cũng là một trong những sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội nuôi cá nước lạnh Sa Pa.
Một sản phẩm khác được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là Thịt trâu sấy Bảo Yên. Thịt trâu sấy từ lâu đã là món ẩm thực nổi tiếng, đặc trưng của huyện Bảo Yên bởi chất lượng thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất phụ gia bảo quản. Sản phẩm được chế biến theo phương thức thủ công truyền thống, từ nguyên liệu đầu vào, qua các công đoạn chế biến, các loại gia vị độc đáo, đến đầu ra là những túi ni-lông chứa thịt trâu sấy khô được hút chân không, tem nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Mật ong Thanh xuân được sản xuất bởi Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh xuân có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, mang hương vị đặc trưng của các loài hoa rừng. Mật ong Thanh xuân có màu vàng sẫm, đặc sánh, độ kết dính cao, vị ngọt thanh, có nhiều tác dụng cho sức khỏe cũng như làm đẹp của con người. Năm 2007, mật ong Thanh Xuân được bình chọn là sản phẩm tốt nhất Việt Nam và được tặng cúp vàng Việt Nam BEST FOOD – thương hiệu an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.
Ngoài các sản phẩm đặc hữu nổi bật đã nêu trên, tỉnh Lào Cai còn có rất nhiều sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Khoai môn Bảo Yên, Hồng không hạt Tân An, Miến đao Thành Sơn, Bưởi múc Bảo Thắng, Chè Bắc Hà, Quế Lào Cai,Lợn đen bản địa Lào Cai…
Việc nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và tạo ra những đặc sản vùng miền đặc sắc riêng của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai phục vụ cho hoạt động thu hút du lịch tốt hơn.
Tuy nhiên, việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm ở tỉnh Lào Cai còn khó khăn khi hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá chưa hiệu quả. Kinh phí tuyên truyền, vận động, tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Một số nhãn hiệu sản phẩm của các địa phương được hỗ trợ bảo hộ nhưng chưa khai thác được hết giá trị, một số nhãn hiệu không thực hiện duy trì sản xuất dẫn đến bị mai một, bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ, mất nhãn hiệu.
Ðể khắc phục những vấn đề nêu trên, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực liên kết, giúp đỡ các hợp tác xã, hộ gia đình hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tỉnh đã mời, kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp; liên kết để đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà”, nhất là vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản ở địa phương.