Để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành các chương trình, kế hoạch, mới đây nhất là Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mục tiêu của các kế hoạch này đều hướng tới việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân; ứng dụng các hình thức thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử.
Sản phẩm OCOP Lào Cai lên Sàn thương mại điện tử
Năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp – đây là một hướng đi mới của Lào Cai nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Lào Cai và hướng tới nền nông nghiệp 4.0.
Để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tiện ích của thương mại điện tử trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Hỗ trợ Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các sàn thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số; tập huấn về thương mại điện tử, hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; triển khai xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp; duy trì hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản Lào Cai giúp minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm nông sản của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử;…Đến nay, Lào Cai đã có hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã với gần 300 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QRCode; hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử; sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai đã có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh mở gian hàng với tổng số trên 300 sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đạt 91%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 99%. Đặc biệt, nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến thông qua việc xây dựng kênh bán hàng riêng trên nền tảng mạng xã hội, thực hiện livestream để bán hàng các sản phẩm nông sản. Thông qua tương tác và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội mà rất nhiều mặt hàng nông sản đặc hữu của Lào Cai được người tiêu dùng gần xa biết đến như gạo Séng Cù, Lê Tai nung, mận Tam hoa, quýt Mường Khương, tương ớt Mường Khương, cá hồi, nấm hương Sa Pa, thịt trâu sấy Bảo Yên, thịt lợn đen Bắc Hà, miến đao Bát Xát, Chè Shan hữu cơ, Trà túi lọc Linh chi – astiso, các sản phẩm OCOP,…
Phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai thực hiện livestream để bán hàng các sản phẩm nông sản địa phương
Để các hoạt động thương mại điện tử hoạt động thông suốt và hiệu quả, tỉnh Lào Cai cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện Lào Cai có hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, bản; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 51,4%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đã góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Người dân Lào Cai đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại hình dịch vụ như tiền điện, tiền nước, tiền học phí, dịch vụ bưu chính viễn thông, tiền hàng hóa thiết yếu đang được người dân sử dụng, trong đó thói quen chủ yếu là thanh toán qua thẻ ngân hàng, smartbanking, ví điện tử, Viettel pay, VNPT pay,..
Nhờ xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và định hướng xuyên suốt mà hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những kết quả tích cực, vừa phục vụ công cuộc phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, vừa góp phần từng bước tham gia chuyển đổi số nền kinh tế địa phương.