Trước đây, đồng bào Dao ở Trà Trẩu tự trồng bông, dệt vải. Giờ đây, khi diện tích trồng bông không còn, lại thêm nhu cầu thị trường, người Dao có thể dễ dàng mua bông ở chợ về làm. Sau khi trải qua các công đoạn xe bông, kéo sợi, người Dao bắt tay vào dệt vải bằng khung cửi. Vải sau khi dệt xong được đo, cắt và may, khâu thành những chiếc áo, chiếc yếm. Công đoạn nhuộm chàm sau đó cũng đòi hỏi sự kỳ công. Khi vải đã nhuộm xong, phụ nữ người Dao lại tỉ mẩn thêu từng đường kim, mũi chỉ để trang trí, tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.
Bà Đặng Thị Triển dệt vải. |
Để hoàn thành 1 bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao phải trải qua nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo. Thường thì phụ nữ người Dao tranh thủ những lúc nông nhàn để dệt vải, may áo nên thời gian hoàn thành 1 bộ đồ không cố định, có khi chỉ một vài tuần, cũng có khi vài tháng. Do nghề dệt đòi hỏi tỉ mỉ, tinh tế nên trẻ em gái trong thôn ngay từ khi còn nhỏ đã quen với hình ảnh của khung cửi, bước sang tuổi 14 – 15 sẽ được các chị, các mẹ truyền dạy dệt, may. Thế hệ trước “truyền lửa” cho thế hệ sau kế thừa, cứ vậy, nghề truyền thống ấy ở Trà Trẩu đến nay vẫn được gìn giữ.
Bà Triển cho chúng tôi xem những bộ đồ do mình làm ra. Bàn tay nâng niu từng chiếc áo, chiếc yếm, bà chỉ cho chúng tôi những họa tiết được thêu trên đó. Qua giọng nói đượm niềm vui, tự hào, chúng tôi hiểu bà Triển cũng như những phụ nữ Dao ở Trà Trẩu trân quý bộ trang phục truyền thống, bản sắc dân tộc mình đến nhường nào. Bởi vậy mà dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng cho đến hôm nay, người Dao nơi đây vẫn giữ gìn nghề dệt may truyền thống. Hầu như hộ nào trong thôn cũng có khung cửi dệt vải. Mỗi khi có hộ cần giúp trong việc xe bông, kéo sợi, chị em trong thôn lại tập trung giúp đỡ, vừa giữ gìn nghề truyền thống, vừa gắn kết cộng đồng.
Hiện nay, cùng với xu hướng hiện đại hóa, trong trang phục thường ngày, nam giới người Dao ở Trà Trẩu đa số diện Âu phục trong khi phần lớn phụ nữ vẫn mặc đồ truyền thống. Tuy nhiên, vào những dịp lễ hội, vui xuân, cưới hỏi, đồng bào nơi đây lại diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Với họ, được khoác lên mình trang phục đậm sắc màu dân tộc không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là việc gìn giữ và giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục giữ nghề truyền thống, không để nét bản sắc ấy mai một theo thời gian.