Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công theo các nghị quyết HĐND tỉnh là 6.650 tỷ đồng (tăng 1.678 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Đến thời điểm này, tổng số vốn thực tế đã phân bổ chi tiết cho các dự án là 5.835 tỷ đồng (đạt 88% kế hoạch), giá trị giải ngân đạt 2.769 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch. Để hoàn thành giải ngân năm ngân sách 2022, trong những tháng cuối năm, Lào Cai phải giải ngân thêm 3.818 tỷ đồng. Đối với kế hoạch vốn năm 2022 theo Quyết định số 2048 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đã phân bổ 4.551 tỷ đồng (đạt 100%).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Trung Bá báo cáo tình hình triển khai giải ngân các nguồn vốn năm 2022. |
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách tỉnh chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư những vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; kế hoạch vốn năm 2022 dành cho công tác giải phóng mặt bằng tương đối lớn (khoảng 300 tỷ đồng thuộc các huyện Bảo Yên, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa); các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có quy trình thực hiện phức tạp, phụ thuộc vào nhà tài trợ…
Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do năm 2022 thực chất là năm đầu triển khai các dự án mới giai đoạn 2021 – 2025; giá các loại vật liệu xây dựng năm 2022, giá xăng, dầu… tăng đột biến dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt…
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh dự kiến là 9.129 tỷ đồng. Năm 2022 thực hiện 1.162 tỷ đồng, hiện đã phân bổ, giao kế hoạch 1.020 tỷ đồng, chưa phân bổ 141 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung thực hiện công tác lập và giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nên chưa giải ngân.
Việc giải ngân vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chậm do số văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể được nội dung hỗ trợ, định mức hỗ trợ, nội dung quy trình thực hiện gây khó khăn cho địa phương; nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mới được giao năm 2022, chưa giao cả giai đoạn 2021 – 2025 dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các danh mục nội dung dự án sử dụng vốn sự nghiệp. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có rất nhiều nội dung hỗ trợ phân cấp cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định cụ thể mức chi. Hiện, Sở Tài chính đang trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh nên các đơn vị, các địa phương sử dụng kinh phí chưa có căn cứ triển khai thực hiện.
Đại diện các sở, ngành, địa phương nêu khó khăn và đề xuất một số giải pháp. |
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn trong năm 2022.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp, ngành thẳng thắn, trung thực, đánh giá rõ nguyên nhân vướng mắc để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tiến độ giải ngân vốn, kiên quyết không để vuột mất cơ hội sử dụng các nguồn vốn.
Các cấp, ngành phải phát động phong trào thi đua, có chế độ khen thưởng, kỷ luật, xử lý trách nhiệm đối với công tác giải ngân các nguồn vốn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu. Đối với cấp huyện, hằng tuần phải tổ chức giao ban với nội dung về giải ngân vốn đầu tư và thực hiện chế độ báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy về tiến độ giải ngân. Cần phải chủ động, linh hoạt hơn nữa, quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022. Tiếp tục rà soát, phân bổ, bố trí giao hết các nguồn vốn vào những danh mục có thể giải ngân ngay. Hoàn tất thủ tục, đảm bảo điều kiện để giao vốn đối với những danh mục chưa giao.
“Quan điểm đối với việc triển khai giải ngân các nguồn vốn là được đến đâu làm đến đó, phân kỳ, phân đoạn rõ ràng, không chờ chung, dễ làm trước, khó làm sau, linh hoạt và phải khắc phục ngay tình trạng chờ đợi thực hiện trong giai đoạn cuối năm. Với tinh thần không lùi bước, quyết liệt tấn công, không phòng thủ, tỉnh đặt mục tiêu cuối cùng đến ngày 31/1/2023 phải thực hiện giải ngân 100% các nguồn vốn theo kế hoạch đã đề ra”, đồng chí Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.