Hiện tại, Sa Pa đã lên kế hoạch tổ chức lại sản phẩm, nâng cấp dịch vụ, sẵn sàng đón khách quốc tế, nhất là dòng khách sẵn sàng chi tiêu cao. Tại khu nghỉ dưỡng Lasxik Ecolodge, mỗi tháng đón khoảng 1.300 – 1.500 khách, trong đó 95% khách quốc tế, công suất phòng đạt 75%. Là khu nghỉ dưỡng chủ yếu đón khách nước ngoài, Lasxik Ecolodge đã kết hợp phong cách hiện đại và truyền thống trong bài trí cũng như phục vụ du khách, đồng thời đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường.
Để đón đầu dòng khách quốc tế, Sa Pa ưu tiên nguồn lực và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, gắn với thế mạnh về tài nguyên du lịch đặc trưng, riêng có, như du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa – xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; du lịch “Thiên đường nghỉ dưỡng núi”; “Sa Pa – xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”; du lịch chinh phục đỉnh cao; du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Sa Pa đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó hơn 11.000 lượt khách quốc tế, tăng 1.500 lượt so với cùng kỳ năm 2022.
Theo kế hoạch, năm 2023, Sa Pa đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 200.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng.
Để thu hút khách du lịch quốc tế, ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch tại Sa Pa đã triển khai xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ đã liên kết hợp tác với nhau để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, trong đó Sa Pa Local hiện là nhóm câu lạc bộ hoạt động phục vụ khách quốc tế hiệu quả, được đánh giá cao. Đồng thời, ngành du lịch Sa Pa tìm giải pháp để kéo dài số ngày lưu trú.
PV