Hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giá tiêu thụ đồng katốt trên thị trường giảm sâu, cộng với tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất. Trước tình hình đó, chi nhánh đã có phương án, giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo đủ nguồn vật tư, nguyên – nhiên liệu và nhân lực để duy trì sản xuất ổn định. Mặt khác, chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh tự gia công, chế tạo, phục hồi, tái sử dụng vật tư, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất.
Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai. |
Trong thời gian qua, bên cạnh hoạt động sản xuất, toàn bộ hệ thống của Chi nhánh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo, yêu cầu của chính quyền các cấp, như thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại đơn vị; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền; cấp phát, bổ sung khẩu trang vải cho cán bộ, nhân viên; kiểm đo thân nhiệt người ra – vào nhà máy; trên xe giao ca trang bị nước rửa tay sát khuẩn; bố trí lao động đi làm và tổ chức ăn ca hợp lý, đảm bảo giãn cách theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết: Khi khó khăn, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và sự động viên, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương. Nguyên liệu tinh quặng đồng cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và các sản phẩm được tiêu thụ kịp thời.
Tính đến hết tháng 4/2020, tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của đơn vị đều đạt hơn 30% kế hoạch năm, một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi nhánh sản xuất được 3.857 tấn đồng tấm (tăng 5,07%), gần 165,3 kg vàng (tăng 5,39%), hơn 480 kg bạc (tăng 10,97%), 35 tấn sun fat đồng (tăng 66%). Quá trình sản xuất không để xảy ra mất an toàn lao động và sự cố về môi trường; duy trì đầy đủ việc làm, các chế độ, quyền lợi của người lao động; trong 4 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 9 triệu đồng/tháng.
Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, cộng với việc quặng nguyên khai có xu hướng giảm cả về hàm lượng, khối lượng so với địa chất nhưng với sự thích ứng, chủ động, linh hoạt, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát) vẫn duy trì hoạt động sản xuất theo kế hoạch. 4 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã khai thác 743.967 tấn quặng, đạt 38,2% kế hoạch năm; sản xuất 23.456 tấn tinh quặng đồng, đạt 35,1% kế hoạch năm và 34.024 tấn tinh quặng sắt, đạt 35% kế hoạch năm. Gần 1.000 kỹ sư, công nhân của đơn vị được bố trí đủ việc làm với thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, các công ty, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty TNHH hóa chất Đức Giang… đã có những giải pháp trong việc ứng phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định và bảo đảm thu nhập, đời sống cho người lao động.
Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 đạt gần 9.591 tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng đạt 636 tỷ đồng, bằng 17,3% kế hoạch năm, giảm 36,5% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 7.555 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch năm, tăng 8,4% so với cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, nước đạt 1.399,5 tỷ đồng, bằng 18,2% kế hoạch, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ như axit photphoric, xi măng, thức ăn gia súc DCP, đồng katốt… Tính đến cuối tháng 4/2020, giá trị các sản phẩm công nghiệp tồn kho lên đến 1.100 tỷ đồng, gồm các sản phẩm như quặng apatit các loại là 1.000 nghìn tấn, quặng sắt 207 nghìn tấn, NPK 38 nghìn tấn, manhetit 37 nghìn tấn, gạch xây dựng 22 triệu viên…
Theo ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương, mặc dù bị tác động của dịch Covid-19 nhưng với sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tương đối ổn định, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Sở sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định sau dịch Covid -19; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tăng trưởng tỷ trọng công nghiệp chế biến và giảm hợp lý tỷ trọng công nghiệp khai thác. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chất lượng sản phẩm; đầu tư dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường, tiêu tốn năng lượng thấp. Bên cạnh đó, ưu tiên và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, sử dụng nguyên liệu là tài nguyên khoáng sản, tập trung vào các ngành khai thác, chế biến khoáng sản kim loại trên địa bàn, nhất là quặng apatit, đồng, sắt… Mục tiêu là khoáng sản được khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và gắn khai thác với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nguyên liệu khoáng.