Trên công trường khai thác quặng apatit.
Ngành chế biến, chế tạo là điểm sáng
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của doanh nghiệp… nên sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì ổn định và vững đà tăng trưởng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Công thương, giá trị sản suất công nghiệp 4 tháng đầu năm đạt gần 12.354 tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp vào giá trị tăng trưởng của ngành công nghiệp là sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo cùng ngành sản xuất điện, nước. Cụ thể, giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9.811 tỷ đồng, bằng 31,5% kế hoạch và tăng 22,37% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị công nghiệp điện, nước đạt hơn 1.718 tỷ đồng, bằng 20,33% kế hoạch và tăng 10,96% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, tỉnh có 67 dự án thủy điện đã hoàn thành, phát điện ổn định với tổng công suất lắp máy 1.063 MW. Sản lượng của các nhà máy thuỷ điện trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 645,4 triệu kWh, bằng 15,37% kế hoạch năm (4.200 triệu kWh). Trong khi đó, công nghiệp khai thác đang giảm dần tỷ trọng, đạt 824,2 tỷ đồng, bằng 22,77% kế hoạch và bằng 94,19% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều tạo đà cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng là trong thời gian qua có mưa nhiều nên các nhà máy thủy điện có sản lượng tăng; các sản phẩm đồng, thép, phân bón có giá bán khá tốt. Thị trường ổn định kéo theo sản xuất tăng.
Ông Vũ Viết Trường, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh Lào Cai trong quý I/2021 là tốc động tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,83%, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp. Tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 10,9%, trong đó riêng công nghiệp đạt 12,81%. Tuy nhiên sang quý II/2021, sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng có một số điểm cần chú ý bởi một số sản phẩm chủ lực dự kiến đóng góp nhiều cho tăng trưởng chưa ổn định. Đó là Nhà máy Luyện đồng Bản Qua (Bát Xát) chưa đưa vào hoạt động, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 chưa xử lý xong bãi thải ảnh hưởng đến sản xuất, Nhà máy Gang thép Việt – Trung sản xuất phôi thép thiếu nguyên liệu và khó khăn về tài chính, Mỏ sắt Quý Xa hết hạn giấy phép chưa được cấp lại, một số dự án mở mới khai thác khoáng sản gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 8,29% và dự báo trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 8,6%.
Bước tiến mới trong sản xuất công nghiệp
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, sở luôn chủ động nắm chắc cơ sở, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và thương mại. Sở trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đóng góp giá trị sản xuất lớn như Công ty Cổ phần DAP số 2, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang… về kế hoạch sản xuất trong năm, nắm kiến nghị, đề xuất của đơn vị và từng bước giải quyết khó khăn. Bên cạnh đó, ngành công thương cũng thường xuyên làm việc với các nhà máy sản xuất công nghiệp, động viên các nhà máy nâng cao sản lượng một số sản phẩm như quặng apatit đạt hơn 4,5 triệu tấn; vàng thỏi 1,1 tấn; bạc thỏi 1,1 tấn; phân DAP và MAP 1.100 tấn; điện phát 4.200 triệu kWh… và sản xuất một số sản phẩm mới như phốt pho đỏ, dệt may…
Các đơn vị sản xuất công nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thực hiện tối ưu công nghệ, đồng thời sắp xếp lại lao động, tiết giảm chi phí, chủ động nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Các cơ quan nhà nước đã có giải pháp để tổ chức thực hiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu bằng đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai để đảm bảo tiến độ, giảm chi phí. Đồng thời, cho phép nhập cảnh chuyên gia, lao động kỹ thuật phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đang đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa các dự án, công trình sớm vào hoạt động, như Nhà máy Luyện đồng Bản Qua, Nhà máy Graphit Nậm Thi, Dự án cán kéo dây cáp đồng Bản Qua, Dự án may mặc Babeeni, Dự án xử lý rác thải Việt Sơn… và 8 dự án thủy điện chuẩn bị hoàn thành phát điện trong quý II/2021.
Mục tiêu của ngành công thương tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 là cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; xây dựng nền công nghiệp phát triển bền vững, chú trọng phát triển hiệu quả chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời nghiên cứu, phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động như gia công, điện tử, may mặc… Chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 tăng bình quân hơn 12%/năm và đến năm 2025 đạt hơn 60.000 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt tổng công suất dự án thủy điện từ 1.350 MW đến 1.400 MW. Ngành công nghiệp Lào Cai sẽ có nhiều khởi sắc, cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.