Không nao lòng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19
Trong những tháng qua, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, để phòng, chống dịch, bệnh phát sinh trên địa bàn, các y, bác sỹ đang góp một phần rất lớn trong công tác điều trị, chăm sóc những người nghi nhiễm tại các cơ sở y tế và theo dõi sức khỏe công dân ở cơ sở cách ly.
Bác sỹ Lồ Củi Pao luôn gần gũi, quan tâm đến người bệnh. |
Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương đã tiếp nhận điều trị, cách ly 22 trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, chủ yếu là người dân đi làm ăn từ Trung Quốc về có biểu hiện bệnh. Bác sỹ Lồ Củi Pao nhận nhiệm vụ điều trị trực tiếp tại khu vực cách ly, anh đã làm việc xuyên Tết đến nay.
Bác sỹ Pao chia sẻ: Bệnh viện bố trí tầng 2, Khoa Truyền nhiễm làm khu vực cách ly. Trong quá trình làm việc, chúng tôi tuân thủ mặc quần áo, đeo khẩu trang, kính mắt bảo hộ bởi vậy không hề lo ngại mà chỉ cố gắng điều trị, phục vụ tốt người bệnh. Đến nay, còn 4 bệnh nhân đang điều trị, cách ly, sức khỏe đều đã ổn định. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cách phòng, tránh dịch Covid-19 để họ nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh.
Bác sỹ Lồ Củi Pao là người dân tộc Bố Y, tộc người thiểu số ở huyện Mường Khương. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng từ nhỏ đã nuôi ước mơ làm bác sỹ. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, anh trở về công tác tại địa phương. Đến nay, với những nỗ lực trong công việc, anh Pao đã là bác sỹ chuyên khoa I và được tin tưởng giao trọng trách phụ trách Khoa Truyền nhiễm.
Bác sỹ trẻ tình nguyện ở “cao nguyên trắng”
Năm nay là năm thứ 3, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai là Nguyễn Chiến Quyết (sinh năm 1989), quê ở Hưng Yên, công tác tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà theo dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn của Bộ Y tế.
Bác sỹ vùng cao Bắc Hà cứu sống trẻ sơ sinh non tháng. |
Với chuyên môn tốt và sự say mê công việc, trong thời gian công tác tại đây, bác sỹ Quyết đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao Bắc Hà. Cụ thể, bác sỹ Quyết trực tiếp tham gia hơn 900 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại, nhi… trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non… Anh còn cùng các bác sỹ khác thực hiện nhiều kỹ thuật mới vượt tuyến, như cắt ruột thừa nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày nội soi, cắt u nang buồng trứng nội soi; cấp cứu và điều trị các bệnh nhân đa chấn thương, bỏng nặng, đồng thời hướng dẫn đồng nghiệp tại bệnh viện những kỹ thuật về mổ cắt ruột thừa, mổ thoát vị bẹn, nang thừng tinh, mổ đẻ và các tiểu phẫu xử lý vết thương phần mềm; hướng dẫn các điều dưỡng, y sỹ cách chăm sóc và theo dõi bệnh nhân hậu phẫu, đảm bảo vô khuẩn trong ngoại khoa.
Với những cống hiến của mình, năm 2019, bác sỹ Quyết được nhận Bằng khen Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII năm 2018. Đầu năm 2020, anh vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc khởi xướng.
Chăm lo sức khỏe cho người dân Sa Pa
Trong những nỗ lực xây dựng và phát triển huyện vùng cao Sa Pa trở thành thị xã hôm nay, vấn đề an sinh xã hội, trong đó việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, các y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa luôn là lực lượng nòng cốt, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh. Bác sỹ Giàng A Sang là một trong những điển hình như thế.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, bác sỹ Giàng A Sang trở về nhận công tác tại Sa Pa. Sinh ra và lớn lên tại xã Mường Hoa, hiểu thấu những vất vả, khó khăn của đồng bào mình nên anh càng nỗ lực hơn với công việc của mình.
Được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho tiếp tục đi học nâng cao, đến nay anh đã hoàn thành định hướng chuyên khoa hồi sức cấp cứu ở Trường Đại học Y Hà Nội và khóa đào tạo 6 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai về kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Cuối tháng 12/2019, sau khi bệnh viện được đầu tư 4 máy chạy thận, anh Sang và đồng nghiệp đã triển khai thành công kỹ thuật này và tiến hành chạy thận cho 7 người bệnh, giúp họ giảm chi phí, không phải xuống điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Anh Sang chia sẻ: Là người bản địa, biết ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào địa phương nên tôi nắm được tâm lý người bệnh và dễ trao đổi, tuyên truyền cho họ, giúp việc khám, điều trị thuận lợi hơn. Điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu đều là những bệnh nhân nặng nên áp lực công việc của các y, bác sỹ ở đây rất lớn, tuy nhiên, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng làm việc với sự tập trung cao, phát huy tốt chuyên môn để cứu người bệnh.
Đến nay, đội ngũ y tế Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa thực hiện được gần 4.000 kỹ thuật. Riêng trong năm 2019, bệnh viện đã thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật cấp cứu 556 ca, mổ nội soi 12 ca, giúp giảm tải cho tuyến trên và củng cố niềm tin của người dân địa phương với các y, bác sỹ của đơn vị.
Nữ cán bộ y tế hết lòng vì người bệnh
Đến nay, chị Sùng Thị Tám đã có 15 năm công tác tại Trạm Y tế xã Nàn Sán (Si Ma Cai). Công tác ở chính quê hương mình, chị Tám không chỉ làm việc bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu thương người bệnh.
Những con đường mòn, ngõ nhỏ ở Nàn Sán đã trở nên quen thuộc với chị Tám từ khi chị còn là cô y tá vừa tốt nghiệp trường chuyên nghiệp, đến nay đã trở thành y sỹ dày dặn kinh nghiệm. Trong suốt thời gian công tác, sự nhiệt tình, cởi mở của chị khiến đồng nghiệp yêu mến, người dân kính trọng, tin tưởng.
Từ năm 2012, khi được phân công phụ trách mảng tiêm chủng, chị đã cùng đồng nghiệp phối hợp tốt với các trưởng thôn, y tế thôn, bản vận động người dân đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nhờ vậy, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của Nàn Sán đã đạt trên 97%.
Y sỹ Sùng Thị Tám tuyên truyền cho người dân cách phòng, tránh dịch bệnh. |
Chị Tám cho biết: Nàn Sán có 8 thôn, trong đó một số thôn vùng biên như Dào Dần Sán, Sàng Chải chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống, dân cư ở không tập trung nên công tác tiêm chủng gặp nhiều trở ngại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chúng tôi “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, không quản mưa, nắng, đường đi lại khó khăn để tổ chức điểm tiêm chủng lưu động.
Không đếm được số lần chị Tám cùng đồng nghiệp xách phích tiêm đi bộ 5 – 6 cây số, vừa tổ chức tiêm chủng, vừa vận động bà con giữ vệ sinh nhà cửa, làm chuồng trại hợp lý, làm nhà vệ sinh hợp vệ sinh… “Mỗi khi hoàn thành trọn vẹn công việc ở những điểm khó khăn, chúng tôi thấy vui sướng, nhẹ lòng, niềm vui của nữ nhân viên y tế vùng cao chỉ giản đơn như vậy” – chị Tám tâm sự.
Đây chỉ là 4 trong số hàng nghìn y, bác sỹ đang cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân ở vùng cao Lào Cai. Ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm và dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế ở các huyện vùng cao, giúp các cán bộ y tế có môi trường làm việc tốt hơn. Tôi rất mong các cán bộ y tế tiếp tục phát huy truyền thống của ngành y, nỗ lực học tập, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, cùng đoàn kết, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.