Si Ma Cai là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, với hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Phu Lá. Diện tích tự nhiên rộng nhưng nhiều núi cao, vực sâu, đá nhiều hơn đất, lại khô hạn, thiếu nước tưới, nên việc canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Thông qua Chương trình 30a của Chính phủ và Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, cùng với phương châm “biến khó khăn thành lợi thế”, huyện đã tận dụng lợi thế đất đai cùng nguồn lao động, tập trung vào hai hình thức phát triển sản xuất mũi nhọn, đó là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa và trồng cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu để xóa nghèo nhanh, bền vững.
Trong dự án phát triển chăn nuôi gia súc từ năm 2015-2020, với 517 tỷ đồng tổng kinh phí được tỉnh đầu tư, huyện đã chọn, xây dựng hai xã điểm là Bản Mế và Sín Chéng để phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò). Tại đây, thành lập 13 nhóm sở thích chăn nuôi gia súc tại xã Sín Chéng và 12 nhóm sở thích tại xã Bản Mế. Việc thành lập các nhóm sở thích cùng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đã giúp các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi; hỗ trợ, giúp đỡ nhau cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
Điển hình, từ năm 2015, xã Bản Mế đã vận động bà con nông dân chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Hội Nông dân xã lựa chọn những gia đình có điều kiện và kinh nghiệm chăn nuôi đi đầu, tiếp nhận bò giống hỗ trợ theo đề án, mỗi hộ là hai bò mẹ sinh sản, sau khi sinh bê con thì được giữ lại và chuyển bò mẹ cho gia đình khác nuôi tiếp, cứ thế quay vòng để nhân rộng ra toàn xã. Như gia đình chị Vàng Thị Sa, sau ba năm nhận một cặp bò mẹ sinh sản để nuôi, từ hộ nghèo, hiện nay chị đã có trong tay ba con bò (một con mẹ và hai con bò thịt), nếu bán theo giá thị trường hiện tại cũng được khoảng 50 triệu đồng. Cặp bò mẹ được huyện hỗ trợ sau khi sinh bê con đã được chuyển giao cho gia đình khác để chăm sóc và sinh sản tiếp. Theo phương thức này, đến nay xã Bản Mế đã có hơn 75% số hộ chuyển đổi trồng ngô, lúa sang chăn nuôi đại gia súc, với tổng số 1.060 con trâu và 621 con bò. Trâu, bò nơi đây được tiêu thụ ổn định, giá tốt, bởi chất lượng thịt sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Tương tự như ở 2 xã Bản Mế và Sín Chéng, các xã Mản Thẩn, Cán Cấu, Nàn Sán, Lử Thẩn… của huyện Si Ma Cai cũng đã tập trung khai thác lợi thế đất đai, đồng cỏ và kinh nghiệm bản địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tính đến nay, huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ 2.321 con bò và trâu sinh sản cho 1.136 hộ nghèo và cận nghèo, tổng đàn gia súc đạt 21.000 con (trong đó có 14.500 con trâu, 6.500 con bò), tạo nguồn thu khoảng gần 500 tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Người dân đã trồng được 843 ha cỏ VA-06 để chủ động nguồn thức ăn, đáp ứng được hơn 50% nhu cầu thức ăn thô của đàn gia súc.
Người dân xã Mản Thẩn chăm sóc cây Tam Thất.
Cùng với chiến lược phát triển chăn nuôi, huyện còn đẩy mạnh liên kết, phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây dược liệu. Huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có, lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới đi đôi với giảm nghèo… để hỗ trợ nguồn lực phát triển mở rộng diện tích trồng dược liệu. Đáng chú ý là huyện đã thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ý dĩ, đương quy của Công ty Tâm Phát Green liên kết với nhóm đồng sở thích trên địa bàn huyện. Dự kiến đến năm 2020, chuỗi liên kết này sẽ tăng diện tích lên 45ha, phục vụ nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến.
Đồng thời, huyện cũng tiến hành phát triển cây ăn quả ôn đới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đối với các xã nằm ở độ cao từ 1.200 – 1.600 m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm khá cao, huyện đã quy hoạch, vận động và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả ôn đới, như: lê xanh, mận hậu, mận tím. Đây là những giống cây ăn quả bản địa, sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng vượt trội so với các nơi khác. Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được 832 ha cây ăn quả ôn đới, hằng năm bán ra thị trường hơn 650 tấn lê xanh, mận tím đặc sản, thu về cho nông dân gần 40 tỷ đồng, góp phần tích cực xóa nghèo hiệu quả ở địa phương.
Theo thống kê, vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng, riêng năm 2018, toàn huyện trồng mới 230 ha cây ăn quả ôn đới. Năm 2019, con số này là 100 ha. Chủ trương của huyện là tập trung chăm sóc diện tích cây ăn quả đang có, bởi nếu mở rộng vùng trồng quá nhanh dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng việc chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Người dân và chính quyền địa phương đều nhận thấy, việc cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa đã từng bước góp phần phát triển vùng sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người có tính đột phá, năm 2018, thu nhập đã tăng gần 23 triệu đồng/người/năm đạt 98.76%. Đến nay, 100% các thôn bản đã có đường giao thông cứng hóa tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân.
Trong thời gian tới, Si Ma Cai phấn đấu hoàn thành thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020, nâng số xã đạt nông thôn mới toàn huyện lên 7/13 xã, chiếm 53,8% số xã. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 – 3%/năm. Với mục tiêu đó, các cấp chính quyền, người dân huyện Si Ma Cai cùng với quyết tâm, đồng lòng thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tế. Huyện sẽ đẩy mạnh việc thành lập các Tổ hợp tác, hợp tác xã để đẩy ứng dụng khoa học vào sản xuất, tăng giá trị kinh tế cây trồng, vật nuôi, từ đó giúp người dân giảm nghèo bền vững./.