Nội dung bài viết của Tổng Bí thư thể hiện tầm cao lý luận, nhưng lại được diễn đạt bằng văn phong giải dị đến mộc mạc, ai đọc cũng có thể hiểu được; sức thuyết phục của bài viết được chắt lọc, tổng kết từ thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để minh chứng cho lý luận. Bởi vậy, sau khi công bố, bài viết đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ở khía cạnh khác, cách đặt vấn đề trong bài viết cũng rất khiêm tốn, chỉ nêu “một số vấn đề” về CNXH, nhưng đã tập trung trả lời 3 câu hỏi lớn (CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Xây dựng CNXH ở Việt Nam bằng cách nào?); nội dung bài viết lại chứa đựng cả một tư duy chiến lược, tầm nhìn của cả dân tộc.
Do bài viết thể hiện tầm bao quát rộng, đề cập nhiều phương diện lý luận và thực tiễn sâu sắc, bằng tình cảm và nhận thức của cá nhân, chỉ xin đề cập tới một khía cạnh nhỏ về sự tươi mới và sức sống mãnh liệt của CNXH hiện thực và thành quả của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai đạt được qua hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển.
Suy ngẫm về nội hàm và thông điệp bài viết của Tổng Bí thư, ấn tượng sâu sắc nhất đối với cá nhân đó chính là sự chặt chẽ trong lập luận, tính tươi mới trong cách đặt vấn đề, từ đó lấy thực tiễn để chứng minh cho sức sống mãnh liệt của CNXH hiện thực. Ngoài việc khẳng định những khó khăn, bước lùi tạm thời của CNXH sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, người đứng đầu Đảng ta không phủ định những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đạt được, đồng thời khẳng định những thành tựu ấy là tiến bộ chung của nhân loại. Tuy nhiên, bài viết cũng khẳng định những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản là cố hữu thuộc về bản chất của chế độ, không thể khắc phục. Từ việc chứng minh khủng hoảng của xã hội tư bản những thập niên đầu thế kỷ XXI, người đứng đầu Đảng ta đi đến kết luận chặt chẽ về mục tiêu, con đường và bản chất XHCN mà Nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội mang bản chất tốt đẹp, hướng tới giá trị tiến bộ và nhân văn, lấy con người làm trung tâm…
Theo bài viết thì mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang hướng tới là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Tổng Bí thư cũng nêu vấn đề: “Chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?”. Trên cơ sở phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, với lập trường duy vật biện chứng, đánh giá sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ khách quan, vận động và phát triển không ngừng, từ nhiều chiều, Tổng Bí thư khẳng định 6 điều bằng câu hỏi “chúng ta cần?” để tập trung giải đáp mọi giá trị nhân văn và bản chất tốt đẹp của xã hội mà Nhân dân ta đang hướng tới. Đó là: Một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu thực hiện. Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chúng ta cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong mỗi người dân, cả dân tộc trên dưới một lòng, “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, giành nhiều thắng lợi to lớn trên mọi mặt trận.
Ngày nay, các nước XHCN trên thế giới còn lại không nhiều so với hệ thống XHCN hình thành vào những năm 80 của thế kỷ trước, song đi lên CNXH vẫn là xu thế tất yếu của nhân loại. Thực tiễn những thành tựu vượt bậc, có tính lịch sử trong công cuộc xây dựng CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu ba… với những giá trị cao về chỉ số phát triển con người, xóa đói, giảm nghèo, công bằng xã hội cùng những giá trị nhân văn đã chứng minh sức sống mãnh liệt của CNXH.
Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta rất anh dũng, kiên cường, sáng suốt lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã 5 lần đề ra cương lĩnh, chiến lược phát triển đất nước phù hợp với yêu cầu của lịch sử và đòi hỏi của thời đại, song, nhìn chung dòng chảy xuyên suốt đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Lịch sử đã chứng minh, đi lên CNXH vừa là khát vọng, vừa là lựa chọn sáng suốt của cả dân tộc, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Qua hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đúng như vậy, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã khẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn là đúng đắn, niềm tin của Nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường XHCN là sắt son một lòng, không đổi thay trước mọi khó khăn, thử thách của lịch sử.
Lào Cai, một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, xuất phát điểm thấp, thời điểm tái lập, Lào Cai là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Vững bước theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn mình từ một tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Bức tranh kinh tế thể hiện sự bứt tốc mạnh mẽ so với ngày đầu tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991 – 2021 đạt trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người (2021) đạt 82,68 triệu đồng (gấp 121,5 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa – xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, từ 54,8% (1991) xuống còn 5,31% (2021). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng – an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện.
Với những kết quả vượt bậc, Lào Cai luôn được xem là tỉnh tiên phong trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống người dân. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với ý chí, nghị lực, tầm nhìn và tinh thần đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Lào Cai sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Cùng với đường lối đúng đắn của Đảng, bài viết của Tổng Bí thư chính là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng được đúc kết qua 35 năm đổi mới đất nước, đồng thời thể hiện những vấn đề cốt lõi, cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là kim chỉ nam cho Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai vươn tới mục tiêu đã định.
Dương Đức Huy
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.