Bức tranh sáng trên những rẻo cao
Mỗi lần trở lại Si Ma Cai – huyện nghèo nhất tỉnh – tôi đều nhận thấy sự đổi thay từ cảnh vật đến con người nơi đây. Gặp ông Vàng Sín Phìn, ở thôn Đội 2, xã Nàn Sán khi ông vừa đi làm đồng về; mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ông cười bảo: “Đời sống của bà con bây giờ tốt hơn ngày xưa nhiều lắm, mọi thứ đầy đủ hơn. Đặc biệt, từ khi Nhà nước có Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của thôn thay đổi hẳn, đường giao thông đổ bê tông đến từng hộ; người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động tìm hướng phát triển kinh tế”.
Thôn Đội 2 hiện có hơn chục hộ làm nghề tráng bánh phở, một số hộ kinh doanh nhỏ hoặc đi làm xa. Kết thúc năm 2018, thôn có 30 hộ thoát nghèo, trong 6 tháng đầu năm 2019, thôn đã cơ bản hoàn thành kế hoạch thoát nghèo của cả năm. Thôn Đội 2 đang nỗ lực cùng xã Nàn Sán về đích nông thôn mới trong năm nay.
Bức tranh vùng cao ngày càng khởi sắc.
Là người sinh ra và lớn lên trên miền đất “ghi dấu ngựa thần”, ông Lý Seo Vảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai nhớ rất rõ những đổi thay của quê hương mình. Năm 2000, huyện Si Ma Cai được tái lập với những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, đến nay, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (còn 22,96%); huyện đang phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%.
Không chỉ ở Si Ma Cai, trên khắp các bản làng vùng cao của huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà… đều có sự khởi sắc. Với đặc thù tỉnh miền núi, biên giới nhưng Lào Cai đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đúng, sát yêu cầu thực tế. Thực hiện nghị quyết các đại hội Đảng bộ tỉnh một cách sáng tạo, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các chương trình, đề án trọng tâm, dành 65 – 70% nguồn lực đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; HĐND tỉnh đã ban hành 43 nghị quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, đến hết năm 2018, con số này chỉ còn 25,9%, cơ bản không còn hộ đói.
Kỳ tích mới nơi “đỉnh núi, đầu sông”
Tôi có lần trò chuyện với ông Nguyễn Quý Đăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, được ông cho biết: Ngày đầu tái lập tỉnh (10/1991), Lào Cai đứng trước nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng bị phá hủy nặng nề; đường sắt và nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gần như tê liệt; nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Toàn tỉnh có đến 17 vạn người trong độ tuổi lao động bị mù chữ, 60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường; hơn nửa dân số thuộc diện đói nghèo… Vấn đề trước mắt được cả hệ thống chính trị tập trung là khôi phục sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Nhiều chương trình đưa cây, con giống mới vào sản suất, lồng gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư được triển khai nên chỉ sau ít năm, Lào Cai đã cơ bản giải quyết được nạn đói.
Lào Cai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của miền Bắc vào năm 2025.
Song hành với khôi phục sản xuất, được sự hỗ trợ, cho phép từ Trung ương, tỉnh đã xây dựng thị xã tỉnh lỵ (thành phố Lào Cai ngày nay); khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, hệ thống cầu cống, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ… Đặc biệt, tỉnh sớm quan tâm thúc đẩy mậu dịch biên giới và xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, tiếp đà cho giao thương hàng hóa, nối liền miền xuôi với miền ngược, mở ra cơ hội phát triển cho Lào Cai.
Giờ đây, Lào Cai đã vươn lên, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Bắc Tổ quốc, tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền duy trì ở mức 2 con số. Văn hóa – xã hội có nhiều thành tựu; quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại không ngừng được củng cố, phát triển. Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của địa phương; thành phố Lào Cai hoang tàn, đổ nát ngày nào, giờ được quy hoạch, xây dựng hiện đại, đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại 1 trong tương lai gần…
Điều nổi bật là Lào Cai biết khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tiểu vùng khí hậu để phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, mang lại hiệu quả kinh tế cao; khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp chế biến sâu, trở thành 1 trong 3 chân kiềng của nền kinh tế địa phương. Nhất là lĩnh vực du lịch, không chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà đã khẳng định được ngôi vị số 1 trong khu vực. Bằng nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn, Lào Cai đã mời gọi được các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói”; xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia; khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, danh thắng, tạo sự hấp dẫn riêng có giúp du lịch Lào Cai “cất cánh” ngoạn mục. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 2,9 triệu lượt, doanh thu đạt hơn 11,2 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu và trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất. Đến năm 2025, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của miền Bắc và cơ bản tự cân đối được ngân sách. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu của địa phương là khát vọng chính đáng trong tiến trình phát triển. Song, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: “Sông thì đầu nguồn, núi thì tột đỉnh, non nước Lào Cai cũng thật chí tình”. Miền đất “đỉnh núi, đầu sông” Lào Cai đã thay áo mới, màu áo sáng và lung linh giữa vùng biên viễn, nơi ấy người Lào Cai tự tin khẳng định những bước nhảy vọt với hành trang là niềm tin theo Đảng, Bác Hồ và những thành tựu giành được trong suốt 74 năm qua./.