Giai đoạn 2015 – 2020, nguồn thu từ đất của toàn tỉnh đạt gần 6.700 tỷ đồng, gần gấp 3 lần mục tiêu đề ra trong đề án số 10. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, con số cho thấy – tài nguyên đất đai của tỉnh đang ngày càng được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả hơn. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đẩy mạnh, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trước mắt cũng như dự trữ quỹ đất cho lâu dài. Nguồn tài nguyên khoáng sản cũng được khai thác một cách có hiệu quả hơn, hạn chế xuất thô ra khỏi địa bàn. Hầu hết các dự án khai khoáng được cấp phép đều gắn với chế biến sâu để gia tăng giá trị nguồn lợi từ lòng đất Lào Cai, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát môi trường.
Khai trường Apatit
Vẫn còn những sự cố về môi trường và tình trạng ô nhiễm xảy ra, nhưng các sự cố đều được xử lý kịp thời, thậm chí thu hồi dự án với những cơ sở sản xuất công nghiệp không đảm bảo. Với quyết tâm không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế, đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn đều lắp đặt thiết bị quan trắc bụi, khí thải và nước thải. Các khu, cụm công nghiệp đều được quy hoạch, xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung. Việc đẩy mạnh công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, đầu tư các công trình đầu mối,… không chỉ giúp kiểm soát tác động tiêu cực của công nghiệp đối với môi trường, mà còn là cơ sở quan trọng để Lào Cai đạt giá trị sản xuất 36.180 tỷ đồng, vượt 8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, đúng với vai trò đột phá trong cơ cấu kinh tế của tỉnh .
Trong nhiệm kỳ này, công tác thu gom, xử lý chất thải ở cả khu vực đô thị và nông thôn đã có những tiến bộ rõ rệt, từng bước hình thành được ý thức tự giác của người dân. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều mô hình xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi phù hợp, xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, làm hầm bioga… Người dân nông thôn cũng ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, chủ động thu gom bao bì sau sử dụng. Chia sẻ nhận thức về trách nhiệm cũng như lợi ích của hành động này, chị Phùng Thị Mận ở xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn cho biết: “Mình thấy rác thải, bao bì sau khi phun thuốc ở ruộng thì mình cứ thu gom vào mang về nhà rồi bỏ vào những cái sọt. Cuối tháng cán bộ khuyến nông lên thu gom chất thải đi xử lý. Em thấy rất tốt cho sức khỏe mọi người và tốt cho môi trường”.
Đến thời điểm này, Lào Cai đã thực hiện thu gom và xử lý được 95% rác thải rắn ở khu vực đô thị, đạt 106% so với mục tiêu đề ra trong Đề án, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý triệt để tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy cũng đạt tới 75%.
5 năm qua Lào Cai cũng đã nỗ lực trong việc nâng tỷ lệ tán che phủ rừng từ 53,3% năm lên 56%. Diện tích mới được phủ xanh trong 5 năm qua hầu hết là những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt có độ dốc và nguy cơ sa mạc hóa cao. Khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng, gắn bó với rừng, chú trọng khai thác, sử dụng rừng hợp lý nhằm gia tăng giá trị của rừng. Đây chính là kết quả của việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ khâu quy hoạch, quản lý và giao khoán đất rừng, đến các cơ chế, chính sách, tạo nhiều kênh vốn để hỗ trợ người dân trồng rừng. Ý nghĩa công tác trồng rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng đã được tuyên truyền sâu rộng, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Một trong các giải pháp nâng tỷ lệ che phủ rừng được các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh chú trọng triển khai mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua phải kể đến là việc gắn phát triển rừng với sinh kế của người trồng rừng. Từ hiệu quả của những mô hình cụ thể, cùng với sự cải thiện về cơ chế chính sách, nông dân Lào Cai đã tích cực tham gia phát triển rừng. Gia đình anh Khổng Văn Thanh, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã trồng quế từ 25 năm về trước. Vậy nhưng khi đó chỉ nghĩ là làm theo phong trào, chứ chưa hề có ý thức đến trồng rừng để phát triển kinh tế. Còn giờ đây anh đã thấy rất rõ hiệu quả và mong muốn có thêm đất đai để trồng rừng. Anh Thanh cho biết: “Năm 1993 huyện và xã có phòng trào trồng rừng, phủ xanh đồi trọc tôi cũng đăng ký được 3 ngàn cây quế. Trước thì nó không có giá, mà giá thành cũng kém nên tôi cũng không tỉa hay chặt làm gì cứ để cây phát triển tự nhiên vậy. Cách đây hai ba năm, giá quế tăng lên, cả gỗ cũng vậy nên tôi bắt đầu có thu nhập từ quế. Ngay từ đầu trồng tôi cũng không nghĩ được giá như mấy năm nay. Nếu có thêm đất tôi sẽ còn trông nhiều thêm nữa”.
Những biệt thự kiên cố của đồng bào Dao ở thôn Khởi Khe, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng được xây dựng nhờ nguồn thu từ cây quế (Ảnh: Quốc Hồng).
Từ việc khai thác là chính, đến nay rừng ở Lào Cai đã được quan tâm nuôi dưỡng để phát triển. Vượt lên ý nghĩa về kinh tế, kết quả trồng, bảo vệ và phát triển rừng của Lào Cai thời gian qua còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, điều hòa khí hậu và hệ sinh thái, hạn chế tác động xấu của các hiện tượng thời tiết cực đoan, giúp Lào Cai chủ động hơn trong việc thích ứng với biến đổi khi hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.