Hỗ trợ thiết bị nghe – xem cho hộ nghèo, một chính sách thiết thực, ý nghĩa dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai giải pháp thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quan tâm công tác phát triển đảng viên ở các thôn đặc biệt khó khăn, nhất là dân tộc ít người. Phát huy vai trò của người có uy tín tại các xã, thôn tổ dân phố góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan thực hiện công tác dân tộc; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới những chính sách dân tộc bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân tộc thiểu số và định kỳ tổ chức điều tra về các dân tộc thiểu số. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; có giải pháp phù hợp để bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số hài hòa, hợp lý trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt công tác đào tạo cử tuyển để tạo nguồn cán bộ đối với một số dân tộc rất ít người. Chủ động tìm kiếm, thu hút, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ từ sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
3. Tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 02 lần so với năm 2021; tỷ lệ giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chuẩn đa chiều bình quân hằng năm trên 9%. Rà soát, quy hoạch xây dựng khu dân cư bảo đảm không gian sinh hoạt cộng đồng, môi trường sinh thái, phù hợp với phong tục tập quán của các dân tộc. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Nhà nước, chính sách dân tộc, phát triển vùng khó khăn của tỉnh. Đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, dịch vụ xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Đến năm 2025, 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97% hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các chính sách dân tộc cần thực hiện có trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với mỗi dân tộc, mỗi địa phương, được người dân, cộng đồng dân cư đề xuất, xây dựng và giám sát, đánh giá.
4. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp, vươn lên làm giàu. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các chuỗi giá trị đối với một số cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao gắn với chế biến. Tập trung thực hiện đồng bộ công tác giao đất, gắn với giao rừng; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn với khai thác có hiệu quả giá trị kinh tế của tài nguyên rừng. Phát triển hạ tầng du lịch; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với bản sắc độc đáo của các dân tộc góp phần giảm nghèo bền vững.
5. Ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin và truyền thông. Nâng cao chất lượng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú bảo đảm đến năm 2025, 100% trường PTDT nội trú đạt chuẩn quốc gia, trên 60% trường PTDT bán trú đạt chuẩn quốc gia, 15% số học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS và THPT được học phổ thông trong trường PTDT nội trú, 30% số học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học và THCS được học trong trường PTDT bán trú. Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở các cấp thông qua chính sách bảo hiểm y tế, chính sách khám chữa bệnh người nghèo. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác dân số phát triển, có giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tiến tới không còn hôn nhân cận huyết thống, cơ bản không còn tảo hôn trong các dân tộc thiểu số.
Sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, phát huy quyền làm chủ và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân; sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ các tập quán, hủ tục lạc hậu. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đa dạng hoá ngôn ngữ truyền thông bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số, nội dung tuyên truyền cần trọng tâm, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu và trình độ của đồng bào, bảo đảm những thông tin hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số là những thông tin chính thống, có giá trị góp phần giúp đồng bào giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá mới.
Chăm lo các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; quan tâm công tác giải quyết việc làm cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có văn bằng chứng chỉ; hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đạt 50%.
6. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Nắm vững tình hình an ninh chính trị, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
7. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối ngoại trong các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc. Thu hút nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi, viện trợ phi chính phủ (NGO); vận động hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân quốc tế góp phần nâng cao năng lực cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
8. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.