Đồng chí Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lào Cai.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai kế hoạch thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Hiện, có 11 cơ quan, đơn vị thành lập ban chỉ đạo và tổ chuyển đổi số, 14 cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (trong đó có 5 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch năm 2022 và 9 đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025).
Về kết quả cụ thể, việc thực hiện chương trình chuyển đổi số đã đạt một số kết quả nổi bật: Xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố về đồng bộ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; thanh toán trực tuyến, thanh toán thuế đất xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ thực hiện chứng thực điện tử xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng đạt 87%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 99%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có học bạ điện tử đạt 100% với học sinh phổ thông.
Cùng với đó, năng lực hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được nâng cao. Cũng trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chuyên môn đã ngăn chặn và xử lý kịp thời hơn 27.300 phiên tấn công mạng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, hạn chế về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút đầu tư phát triển công nghệ số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ dân có thuê bao internet cáp quang băng rộng đạt thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc; tỷ lệ ngầm hóa và tỷ lệ dùng chung hạ tầng kỹ thuật còn rất thấp.
Về giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi số 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực số giai đoạn 2022 – 2025, trong đó chú trọng đội ngũ công chức, viên chức, các chuyên gia chuyển đổi số, chuyên gia an toàn thông tin mạng và người dân trên địa bàn tỉnh. Tập trung tăng cường mạng internet băng thông rộng ở các xã có điều kiện khó khăn; thay đổi nhận thức của người đứng đầu, các cán bộ xã, phường. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, khối doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các ngành, cơ quan, đơn vị cần tập trung lựa chọn, thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho tỉnh. Ban hành chính sách hỗ trợ thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2023.
Để thực hiện chương trình chuyển đổi số hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị bố trí cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển nhân lực về chuyển đổi số; liên kết trong chuyển đổi số giữa các cơ quan Đảng và chính quyền.