Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy, chính quyền chủ động đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo, xây dựng và triển khai, thực hiện nhiều mô hình phù hợp với địa phương, đơn vị. Với phương châm đổi mới công tác tuyên truyền vận động, tại thôn bản, khu dân cư, mô hình dân vận khéo đã và đang đóng vai trò nòng cốt. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 9 mô hình “dân vận khéo” tại 9 huyện, thành phố, thì đến nay, đã có gần 3.000 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, nổi bật là dân vận khéo trong vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; dân vận khéo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Lĩnh vực hóa – xã hội, các mô hình dân vận khéo về xây dựng “Gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”; “Dòng họ không có tảo hôn”, “Cải tạo phong tục tập quán lạc hậu”, “Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn”. Các mô hình này đều gắn liền với thực tiễn đời sống của người dân, khi triển khai đã có tác động trực tiếp, dần thay đổi thói quen của mỗi người, mỗi nhà.
Tuyên truyền, vận động bà con nhân dân khu vực biên giới thực hiện tốt các quy định về Luật biên giới quốc gia.
Điển hình như khu phố 2, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng từng là địa bàn phức tạp về trật tự xã hội. Nhưng nhờ có sự vận động tích cực của Ban tuyên vận đến nay mọi sự đã khác, không những an ninh trật tự ổn định, mà đây còn là khu phố tiêu biểu của thị trấn. Là người hiểu rõ địa bàn, bà Đặng Thị Muộn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ, thành viên tổ tuyên vận khéo của khu cho biết: “Có được kết quả này là nỗ lực lớn của Ban tuyên vận cũng như sự phối hợp hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Chúng tôi phụ trách tất cả các đoàn thể ở địa phương, do vậy khi có công việc gì cũng báo các với chi bộ để kết hợp với chính quyền cùng tham gia vận động nhân dân để đạt được kết quả tốt nhất, người dân cũng nhiệt tình ủng hộ”.
Do đặc thù của địa bàn vùng cao biên giới, việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ thực tiễn này, lực lượng chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới chú trọng xây dựng các mô hình dân vận khéo. Trong đó, vận động phụ nữ không bỏ đi khỏi địa phương, người dân không tự ý vượt biên trái phép; đồng thời triển khai các mô hình dân vận khéo về “An ninh tự quản”; “Điểm sáng khu dân cư, gia đình bình yên, hạnh phúc”. Các mô hình trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, qua đó cũng giúp cho lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, cách thức tuyên truyền, vận động nhân dân được quan tâm đổi mới, phù hợp với nhận thức của đồng bào dân các dân tộc.
Tình quân dân.
Trong xây dựng hệ thống chính trị, mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân được các cấp ủy, chỉnh quyền quan tâm, coi đây là yếu tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Từ thực tiễn triển khai cho thấy, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, việc xây dựng các mô hình dân vận khéo rất cần thiết. Tuy nhiên, các mô hình dân vận khéo chỉ mang lại hiệu quả khi cách thức tổ chức triển khai phù hợp và đem lại lợi ích, nguyện vọng chính đáng cho người dân.
Năm 2020, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành kế hoạch thực hiện “Năm dân vận khéo”; chỉ đạo các cấp, ngành chú trọng dân vận khéo trong toàn hệ thống chính trị. Đây là điểm nhấn không chỉ thể hiện quyết tâm đổi mới lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mà còn cho thấy tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung, cách thức triển khai dân vận khéo nói riêng. Qua đó, lắng nghe và kịp thời giải quyết những bất cập, vướng mắc, đặc biệt là trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn./.