Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các huyện, thành phố.
Quang cảnh phiên họp. |
Việc thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách gặp khó khăn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết tháng 11, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội chính đã đạt và vượt kế hoạch năm 2019 như: Tổng sản lượng lương thực có hạt (9 tháng đạt 101,8% kế hoạch); diện tích trồng lúa (đạt 100,9% kế hoạch); trồng rừng mới (đạt 127,9% kế hoạch); giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm (đạt 111,3% kế hoạch). Hầu hết chỉ tiêu còn lại đảm bảo tiến độ theo kế hoạch (đạt trên 90% kế hoạch). Tuy nhiên, còn 2 chỉ tiêu đang gặp khó khăn, cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đó là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (mới đạt 83,8% dự toán đầu năm); giá trị hàng hóa xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu (đạt 77,7% kế hoạch).
Giám đốc Sở Tài chính báo cáo kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. |
Làm rõ hơn nội dung thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài chính Ngô Đức Ảnh cho biết: Tính đến ngày 27/11, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 7.500 tỷ đồng, bằng 103,5% dự toán Trung ương giao, bằng 83,8% dự toán đầu năm, bằng 76,2% dự toán phấn đấu, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh phải thực hiện thu gần 1.500 tỷ đồng để hoàn thành dự toán đầu năm và gần 2.400 tỷ đồng để đạt dự toán phấn đấu.
Giám đốc Sở Tài chính cũng phân tích những khó khăn làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đó là, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gặp khó khăn về tài chính, vốn sản xuất, kinh doanh; việc tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp chậm; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thị trường bất động sản trầm lắng, tốc độ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thuê đất theo kế hoạch bị chậm dẫn đến số thu tiền sử dụng đất đạt thấp; ý thức chấp hành pháp luật về thuế của một số doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ việc nộp thuế; sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác thu ngân sách chưa thật sự chặt chẽ, có dấu hiệu thất thu ngân sách từ thuế, tiền thuê đất của một số doanh nghiệp.
Đánh giá về công tác thu ngân sách năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong cho rằng, mặc dù đã đạt và vượt dự toán Trung ương giao, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của tỉnh. Để hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu ngân sách đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác, chỉ đạo, điều hành. “Trong thời điểm khó khăn này, các ngành, các cấp cần quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất, cùng vào cuộc để hoàn thành chỉ tiêu dự toán đầu năm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn đạt thấp
Một trong những nội dung được phiên họp tập trung đánh giá, làm rõ đó là tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2019. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 tỉnh giao (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển năm 2018 kéo dài sang năm 2019 là 5.773,6 tỷ đồng). Tổng giá trị giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 3.768 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn kéo dài đạt 478 tỷ đồng; tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 đạt 3.290 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2019. |
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2019 của tỉnh cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn kéo dài mới đạt 53% kế hoạch, trong khi thời hạn giải ngân đến ngày 31/12/2019, trong đó một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp, như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 đạt 68% kế hoạch, song một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp, như vốn Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vốn nước ngoài…
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2019 chậm, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư là do vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành về việc thẩm định chủ đầu tư và thẩm định nguồn vốn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công; cơ chế, chính sách phần ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công – tư; tiến độ thi công một số dự án chậm, nên không có khối lượng nghiệm thu để giải ngân; năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia của cấp xã còn hạn chế, dẫn đến việc phân bổ vốn và giải ngân chậm…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. |
Chỉ đạo về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong yêu cầu các địa phương, các ngành, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá kỹ, chính xác báo cáo tỉnh phương án giải quyết, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đạt cao nhất. Cụ thể, đối với vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành cần đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương triển khai. Nếu chủ đầu tư nào không giải ngân hết nguồn vốn đã giao, để Trung ương thu hồi vốn, UBND tỉnh sẽ phê bình và đưa vào nội dung đánh giá công tác thi đua – khen thưởng.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; chuẩn bị đầy đủ, chất lượng các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh. Các ngành tập trung rà soát để tổ chức giao kế hoạch năm 2020; đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất vụ đông; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác phòng, chống rét và phòng, chống cháy rừng; lắng nghe và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thành lập thị xã Sa Pa, để bộ máy hành chính thị xã Sa Pa sớm đi vào hoạt động hiệu quả.
Tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp tại huyện Sa Pa, thành phố Lào Cai; quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đảm bảo tết cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách; đầu tư cấp điện cho các thôn, bản.
Đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính; rà soát đưa học sinh về điểm trường chính phục vụ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phấn đấu đến quý I/2020, đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh Lào Cai vào hoạt động. Muốn làm được điều này, cần khẩn trương đào tạo con người, đầu tư thiết bị, công nghệ để phục vụ hoạt động của trung tâm.