Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã thông qua dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Năm 2021, cơ bản các mục tiêu đề ra đã được tổ chức thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch, các mục tiêu được gắn liền, chặt chẽ với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể của kế hoạch. Về phát triển chính quyền số: 100% mạng LAN cơ quan cấp tỉnh, 89% mạng LAN đơn vị cấp huyện và 62,4% đơn vị cấp xã đã được đầu tư; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); tối thiểu 90% tổ chức, cá nhân hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt 35%-40% trở lên…
Về phát triển xã hội số: Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ trên 40% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đến cấp xã, triển khai mạng di động 5G tại 30% đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; 60% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại di động thông minh; 100% hạ tầng viễn thông đầu tư mới tại các khu vực đô thị được chia sẻ dùng chung cho các doanh nghiệp viễn thông.
Đây là năm đầu thực hiện chuyển đổi số nên vẫn còn nhiều tồn tại như: Tại một số ngành, lĩnh vực và một số địa phương còn chậm vào cuộc, chưa quyết liệt. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Tuy nhiên mới chỉ đáp ứng việc phục vụ duy trì, vận hành chính quyền điện tử, chưa mở rộng năng lực tính toán, lưu trữ để triển khai các ứng dụng trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa cao so với nhu cầu…
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số đã đưa ra nhiều ý kiến đề nghị bổ sung hoàn thiện Báo cáo như: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; rà soát lại một số nhiệm vụ giao các sở, ngành để tránh sự chồng chéo, chính sách đặc thù cho đội ngũ công nghệ thông tin…
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo. |
Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2022 đã đặt ra 68 mục tiêu, trong đó có 22 mục tiêu quan trọng để ưu tiên nguồn lực triển khai (Chuyển đổi số 8 mục tiêu, kinh tế số và xã hội số 14 mục tiêu) và 46 mục tiêu khác.
Để đạt được mục đề ra, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần chuyển đổi nhận thức, có sự đồng hành cao từ các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị cần tiếp cận theo hướng trực quan, mã hóa, chuẩn hóa số liệu; thông tin cần công khai, minh bạch, thống nhất giữa các ngành. Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số cho phù hợp với lĩnh vực, địa phương, đảm bảo sao cho thực chất. Học tập kinh nghiệm chuyển đổi số tại một số địa phương. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực đầu tư hạ tầng trong quản lý, vận hành, nhất là các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông, môi trường, năng lượng, điện, nước,… hướng tới tăng trưởng theo hướng tiếp cận nền kinh tế số…