Từ trung tuần tháng 12 âm lịch trở đi, người Dao Tuyển bắt đầu công việc chuẩn bị để đón tết cầu năm mới gặp nhiều may mắn, gia đình êm ấm hòa thuận, kinh tế phát triển. Nhà nhà đều tất bật sắm sửa trang hoàng nhà cửa, nam giới tập trung làm các đạo cụ trò chơi dân gian như cà kheo, cầu lông gà, các chị em phụ nữ chuẩn bị cho mình bộ quần áo mới, một quả còn để đi chơi hội.
Thiếu nữ Dao Tuyển.
Nghi lễ cúng tổ tiên, đón tết: Sáng sớm ngày 30/12 âm lịch, ông chủ gia đình dọn dẹp khu vực bàn thờ, bày mâm ngũ quả, đặt bánh hai bên bàn thờ. Thắp 3 nén hương mời tổ tiên về ăn tết và phù hộ cho con cháu trong gia đình. Buổi chiều, bà chủ gia đình vào rừng lấy rau cải, củ gừng tươi làm lễ vật cúng các thần Bàn Vương, Ngọc Vương, Mụ Vương…
Nghi lễ đón giao thừa: Vào thời khắc giao thừa, năm mới đã tới, ông chủ bày bày lễ vật và thỉnh mời các vị thần linh về ăn tết và phù hộ cho gia đình, con cháu. Khi thỉnh thần, chủ nhà dải hạt gạo từ cửa vào trong nhà bắc cầu dẫn các thần vào nhà. Chủ nhà khấn mời Ngọc Vương, Bàn Vương cuối cùng mời đến Tay Mụ. Ngọc Vương phù hộ cho các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ, vật nuôi không bị bệnh dịch. Bàn Vương phù hộ cho gia đình gặp may mắn trong làm ăn phát triển kinh tế. Tay Mụ phù hộ cho con, cháu mạnh khoẻ. Sau khi cầu khấn các vị thần linh, chủ nhà lấy chổi quét rác để gọn vào một góc nhà có ý nghĩa tiễn năm cũ qua đi, cầu mong điều tốt lành đến. Đồng thời, chủ nhà lấy giấy viết chữ nho dán giấy bản lên cửa nhà và các dụng cụ lao động sản xuất như cuốc, xẻng và cả chuồng trâu, lợn, gà với ý nghĩa ngăn cấm ma quỷ vào nhà.
Nghi lễ mua nước mới: Sáng sớm mồng 1 tết, chủ nhà mang hương, giấy vàng và hai cái bát, trong đó một bát đựng nước mang từ trong nhà ra – đây là bát nước tượng trưng của năm cũ, khi đến ngoài bờ suối hoặc khe nước, ông chủ lẳng lặng ngồi và đặt bát nước cũ và giấy vàng, đốt hương cắm ở bên cạnh rồi múc một bát nước mới khấn xin thần nước phù hộ, đại ý như sau:
“Xin các thần phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn chăn nuôi gặp nhiều may mắn, luôn đảm bảo nguồn nước thông suốt chảy về nhà và đồng ruộng cho cây cối tươi tốt, con cháu trong nhà được uống nước mát. Gia đình biết ơn thần nước, không quên nay nhân dịp năm mới gia chủ tôi thay mặt cho gia đình họ Triệu mời thần nước về nhà cùng ăn tết, vui vẻ với gia đình…”.
Sau đó, chủ nhà cầm xem bát nước nào nặng hơn, nếu bát nước mới nặng hơn báo hiệu cho gia đình năm mới sức khỏe tốt, làm ăn may mắn, mùa màng không bị thiếu nước. Nếu bát nước năm cũ nặng hơn, báo hiệu năm mới sẽ bị hạn hán, thiếu nước, mất mùa. Khấn xong, ông chủ đốt giấy vàng hóa gửi cho thần nước “pầu man” rồi cầm hai bát nước về đặt ở chân bàn thờ, kết thúc tết mới bỏ đi.
Nghi lễ cúng làng: Buổi sáng ngày mùng 2 tết, người Dao Tuyển tổ chức lễ cúng thần làng. Già làng lấy cây cỏ gianh bện dây và buộc dao, súng gỗ vào giữa chiếc dây, dây bện dài vài mét đủ chăng ngang con đường chính vào làng nhằm chắn cái xấu, ma quỷ vào hại làng. Thầy cúng, già làng và các chủ gia đình xua đuổi cái xấu, ma tà ra khỏi làng bằng cách người thì mang mặt nạ, người thì mang dao, xua đuổi ma từ đầu làng cho đến cuối làng, từ trên xuống dưới làng.
Chúc tết: Người Dao Tuyển có truyền thống chúc tết bố mẹ, người già, người thân và thầy dạy chữ Nôm Dao. Lễ vật gồm có: một đôi gà trống, mái, một chai rượu mang đến chúc tết nhà bố mẹ, sau đến anh em và láng giềng với lời chúc sức khỏe, làm ăn may mắn. Đối với những người học chữ Nôm Dao, tết đến các trò chuẩn bị một chai rượu, một kg thịt lợn chúc tết sư phụ.
Trong không khí tưng bừng của ngày tết, thanh niên nam nữ mặc trang phục truyền thống dân tộc chơi các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ném còn, đánh quay, thi bắn nỏ… nhằm thể hiện tài năng, độ khéo léo… trò chơi thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tết đến còn là dịp để người Dao Tuyển thể hiện khả năng ca hát, văn nghệ với các chủ đề hát giao duyên, hát tình yêu và đặc biệt đầu xuân, người Dao Tuyển mở hội “Hát qua làng”, đó là hội hát nổi tiếng của người Dao, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của người Dao Tuyển./.