Kể về truyền thống của nghề, ở làng chẳng ai nhớ nổi dệt thổ cẩm có từ bao giờ, chỉ biết đời này qua đời khác, những người phụ nữ nơi đây coi đó như công việc hàng ngày. Đến khi khách du lịch tìm đến bản Tả Phìn ngày một nhiều, thổ cẩm nơi đây không còn đơn điệu là những vật dụng hàng ngày nữa, mà trở nên đa dạng hơn để bán cho khách như món quà lưu niệm độc đáo. Nghề thổ cẩm Tả Phìn phát triển từ những năm 1998 khi du lịch Sa Pa bắt đầu là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách gần xa, từ đó các ngành nghề buôn bán đặc trưng có cơ hội phát triển. Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa.
Du khách trải nghiệm thêu thổ cẩm.
Đến Tả Phìn vào bất cứ thời điểm nào trong năm, ở bất cứ nơi đâu, có thể là trước cửa nhà, trên nương hay lề đường, bạn đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ ngồi quây quần bên nhau thêu thùa và chuyện trò vui vẻ. Qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Tả Phìn không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào. Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được chị em xuất khẩu tại chỗ bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm Sa Pa. Đặc biệt, thổ cẩm Tả Phìn còn được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng để bán cho khách và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch… Chính vì vậy bản Tả Phìn còn có một tên gọi khác là “Làng thổ cẩm Tả Phìn”.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm… với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các hoạ tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa.
Đặc biệt, người Dao đỏ rất cầu kỳ khi thêu trang phục truyền thống của phụ nữ với đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Họ thêu riêng từng phần rồi khâu lại thành bộ trang phục hoàn chỉnh. Đối với họ, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật kỷ niệm tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Sự khéo léo trong việc may vá, thêu thùa vừa là hành trang vào đời của các cô gái nơi đây và cũng là tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn bạn đời.
Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao đỏ làm nên những tấm thổ cẩm đẹp và độc đáo.
Tận mắt chứng kiến từng công đoạn sản xuất mới thấy những người phụ nữ nơi đây phải kỳ công như thế nào để làm nên những tấm thổ cẩm đẹp và độc đáo. Với các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, củ chàm… bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ thêu dệt lên những tấm vải đầy màu sắc, những hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc.
Đến thăm bản Tả Phìn là dịp để du khách tìm hiểu quy trình làm nên thổ cẩm, thử tự tay thêu nên những hoa văn với sự chỉ dẫn và giải thích tận tình của phụ nữ Dao đỏ. Nhiều du khách không giấu được sự thích thú khi những hoa văn dần được hiện ra qua những đường thêu của mình, tuy chưa hoàn thiện nhưng đó sẽ là trải nghiệm thú vị.