Từ tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch hằng năm là dịp người Hà Nhì thường xuyên quan tâm tới “phu chu ma”, bởi trong dịp này có nhiều ngày lễ, ngày tết như Tết Nguyên đán, cúng rừng, cúng thần, tảo mộ, Tết Gạ Ma O, đám cưới… nên bếp lửa của các gia đình thường xuyên được sưởi ấm. Theo quan niệm của người Hà Nhì, vào những dịp đầu năm, ngày lễ, ngày tết, nếu bếp lửa hoạt động thường xuyên sẽ đem lại sự ấm áp và nhiều may mắn cho gia đình trong cả năm.
Anh Phu Se Thó mời “phu chu ma” ăn sau lễ cúng tại gia đình. |
Những ngày cuối tháng 2 âm lịch, gia đình anh Phu Se Thó, thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý nhộn nhịp hơn ngày thường, bởi phải chuẩn bị cho lễ tảo mộ. Đến ngày đẹp, từ sớm tinh mơ, phụ nữ trong nhà chuẩn bị rau, đậu và vào bếp chế biến món ăn; đàn ông thì mổ lợn, mổ gà làm mâm lễ vật cúng thần linh, gia tiên. Sau lễ cúng, một việc không thể quên là anh phải mời “phu chu ma” ăn cỗ. Các lễ vật mỗi thứ một chút được anh và vợ nhẹ nhàng đặt vào cạnh hòn đá nhỏ bên bếp lửa.
Anh Thó cho biết: “Phu chu ma” là vị thần cai quản, giữ ấm trong gia đình và mang lại may mắn, nhất là trong bếp. “Phu chu ma” của người Hà Nhì cũng giống như thần thổ công của người Kinh, nhưng điều đặc biệt đó là dùng biểu tượng hòn đá. Trong mỗi gia đình người Hà Nhì đều phải có “phu chu ma”.
Theo phong tục của người Hà Nhì, khi về nhà mới, chủ nhà phải đi tìm một hòn đá ở trong rừng sâu, hoặc đào dưới đất sâu lên, đảm bảo đá sạch, đẹp (theo cách nhìn của mỗi người), đá chưa từng có ai động vào thì mới được mang về nhà. Sau khi mang về, hòn đá được lau, rửa sạch sẽ rồi đặt cố định vào bên phải bếp lửa và làm lễ xin được bảo vệ, giữ ấm, mang may mắn đến cho gia đình.
Quan niệm từ xa xưa của người Hà Nhì thì con trai út trong nhà là người được thừa hưởng tất cả từ bố, mẹ, trong đó có cả việc thờ gia tiên hoặc thờ “phu chu ma”. Và hòn đá thần lửa sẽ được truyền từ đời này qua đời khác.
Để tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa “phu chu ma” trong cuộc sống của người Hà Nhì, chúng tôi tìm đến ông Ly Se Chơ (80 tuổi), một trong những người cao tuổi ở thôn Lao Chải 1, xã Y Tý. Ông Chơ bảo: “Phu chu ma” là văn hóa từ lâu đời của người Hà Nhì, không ai nhớ bắt nguồn từ đâu, nhưng gia đình người Hà Nhì nào cũng có “phu chu ma”. Thậm chí, một gia đình người Hà Nhì nếu chuyển nhà có thể bỏ lại nhiều thứ, nhưng vẫn phải mang theo “phu chu ma” của nhà đi.
Hòn đá biểu tượng thần lửa “phu chu ma”. |
Đưa tay chỉ vào hòn đá nằm bên bếp lửa của gia đình, ông Chơ nói: Như tôi là con út trong nhà, được truyền lại “phu chu ma” này, tính ra là đời thứ 5 giữ nó rồi. Đến con tôi bây giờ là đời thứ 6 và cháu trai út nữa cũng bắt đầu bước sang đời thứ 7 rồi.
Từ những câu chuyện tại các bản Hà Nhì, xã Y Tý, qua tìm hiểu chúng tôi được biết “phu chu ma” là 1 trong 4 vị thần được người Hà Nhì thờ phụng là trời, đất, nước và lửa. “Phu chu ma” là văn hóa được người Hà Nhì ở vùng cao Bát Xát lưu truyền như một biểu tượng giữ ấm và mang lại may mắn cho gia đình, để cuộc sống luôn tiến lên với những hy vọng mới. Đây cũng là nét văn hóa đẹp trong đời sống của người Hà Nhì hiện nay đang được gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân vùng cao Y Tý, nơi được coi là miền đất hẹn với nhiều phong tục văn hóa huyền bí đang chờ được khám phá.