Nhiều hộ ở Mường Khương thoát nghèo nhờ trồng chuối mô. |
Phóng viên: Đặc thù của Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vậy công cuộc giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 phải đối mặt những thách thức nào, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Đó là, hệ thống giao thông chưa đồng bộ; khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, đời sống Nhân dân mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn khó khăn. Thị trường hàng hóa và thị trường lao động trên địa bàn nông thôn đang trong giai đoạn đầu, chưa phát triển sâu rộng. Nhận thức của người nghèo ở một số nơi chưa thay đổi nhiều; tư duy và kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình rất yếu, còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Nhiều hộ dân có mức thu nhập thấp, cận với chuẩn nghèo do ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa và gặp những rủi ro trong cuộc sống cũng như trong sản xuất, kinh doanh nên đã rơi vào diện nghèo. Chính những khó khăn đó đã khiến công tác giảm nghèo của tỉnh đối mặt với thách thức. Đầu giai đoạn (năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (chiếm 34,3%, đứng thứ 6, sau các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La), trong đó khoảng 95% hộ nghèo tập trung vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Trong mỗi giai đoạn, công tác giảm nghèo phải giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra khác nhau. Vậy trong giai đoạn 2016 – 2020, công tác giảm nghèo tập trung vào những vấn đề nào, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Đúng như vậy. Thực tiễn luôn yêu cầu công tác giảm nghèo của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước bởi nguyên nhân nghèo, cách tính chuẩn nghèo, chính sách hỗ trợ đã thay đổi.Trong giai đoạn 2016 – 2020, các chính sách giảm nghèo đã hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững, giảm “cho không”, cho vay có điều kiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và khơi dậy sự chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, tránh sự trông chờ và ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Phóng viên: Để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Giảm nghèo bền vững”. Những nội dung đột phá của đề án là gì, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Nội dung đột phá của đề án là các chính sách về giảm nghèo đã được xây dựng toàn diện, đa dạng theo nhiều hướng tiếp cận nhằm giải quyết các nguyên nhân nghèo, các nhu cầu thiết yếu của người nghèo, vùng nghèo, bao gồm các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, thủy lợi…) và các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, cung cấp dịch vụ, trợ giá, tín dụng, hỗ trợ trực tiếp (công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi…).
Để thực hiện được những nội dung đột phá nói trên, nhiệm vụ trọng tâm mà đề án xác định cần tập trung ưu tiên thực hiện là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo. Do vậy, tỉnh đã đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội thu hút, tạo việc làm tăng thêm cho người lao động (trong 5 năm đã đào tạo hơn 60.000 lao động); đưa sàn giao dịch việc làm vào hoạt động đáp nhu cầu về việc làm của người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút, tạo nhiều việc làm tăng thêm cho người lao động. Tập trung chuyển hướng đào tạo nghề từ cung sang cầu trong thị trường lao động (trong 5 năm đã đào tạo hơn 71.000 người), đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Nhờ xác định rõ “lõi nghèo”, đồng thời đưa ra các giải pháp đúng và trúng, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng nào, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Mặc dù đạt tỷ lệ giảm nghèo cao qua các năm nhưng đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên (hiện nay sau khi chia tách, sáp nhập còn 37 xã), đây được xác định là “lõi nghèo” của tỉnh. Trước thực trạng đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp để “phá bỏ lõi nghèo”. Ngày 24/5/2019, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20 về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030 với các mục tiêu: tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các xã, thôn, bản, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông liên thôn theo quy chuẩn, hệ thống điện lưới; tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển sản xuất; phấn đấu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 40% trở thành xã trung bình của tỉnh.
Nhiều hộ nông dân vùng cao trồng rau trái vụ mang lại thu nhập cao. |
Nhờ các giải pháp đồng bộ trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy, dự kiến đến hết năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 8%; giai đoạn 2016 – 2020 bình quân giảm 5,17%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu giảm 3 – 4%/năm).
Phóng viên: Như vậy, thành công lớn nhất là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm dưới hai con số. Nhiệm vụ đặt ra đối với công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 là gì, thưa bà?
Bà Đinh Thị Hưng: Mặc dù đạt được thành công trong công cuộc giảm nghèo nhưng Lào Cai vẫn thuộc tỉnh nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng xa còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chủ yếu thuộc đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 90%); khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thu hẹp làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, chuẩn nghèo được Chính phủ điều chỉnh tăng lên, đồng nghĩa số hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tăng theo (dự báo tỷ lệ hộ nghèo theo điều tra chuẩn mới cuối năm 2020 gần 30% với hơn 48.000 hộ nghèo và hơn 15.000 hộ cận nghèo). Do vậy, giảm nghèo bền vững tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất.
Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy xây dựng Đề án “Giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu mà đề án đặt ra là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ, tạo nhiều việc làm bền vững cho người lao động. Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội theo tiêu chí nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!