Ngay từ ngày đầu thành lập tỉnh dân sự Lao Kay năm 1907 (thời thuộc Pháp), khu vực phố cổ Lão Nhai đã được chọn làm tỉnh lỵ. Những năm Lào Cai sáp nhập với Yên Bái, Nghĩa Lộ để thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn, thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường sáp nhập thành thị xã Lào Cai. Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập; ngày 1/9/1992, hệ thống chính trị thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường chính thức hoạt động, đây chính là dấu mốc trở thành ngày truyền thống của thành phố Lào Cai trong thời kỳ mới.
Thành phố Lào Cai kỷ niệm 30 năm ngày tái lập thị xã tỉnh lỵ. Ảnh: Thành Phú |
Những năm đầu thập niên 1990, đời sống Nhân dân tại hai thị xã vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng rất thiếu và yếu. Với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền hai thị xã với các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, lan tỏa ý chí và hành động cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để tái thiết quê hương. Sau thời gian ngắn, hai thị xã Lào Cai và Cam Đường đã hồi sinh với tốc độ thần kỳ, kinh tế phát triển sôi động, đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Thành phố Lào Cai đón nhận phần thưởng cao quý. Ảnh: Thành Phú |
Từ yêu cầu thực tế và trước đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chính phủ đã đồng ý việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã Lào Cai vào năm 2002. Tới ngày 30/11/2004, thị xã Lào Cai được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập thành phố Lào Cai trực thuộc tỉnh Lào Cai. Giai đoạn 2005 – 2010, thành phố Lào Cai có thêm động lực, cơ hội phát triển mới khi tỉnh được Trung ương đồng ý việc di chuyển các cơ quan hành chính về khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường, từ đây không gian thị xã Lào Cai vốn là trung tâm tỉnh lỵ cũ được ưu tiên cho phát triển đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu.
Gần đây nhất, ngày 11/2/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh Lào Cai, trong đó thành phố Lào Cai được mở rộng trên cơ sở sáp nhập một phần diện tích của huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng. Không chỉ đơn thuần mở rộng không gian, đây còn là nguồn lực, là thời cơ, điều kiện quan trọng để thành phố Lào Cai viết tiếp trang sử mới hào hùng.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, thị xã tỉnh lỵ ban đầu gồm 8 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 5.038 ha, toàn Đảng bộ thị xã chỉ có 112 đảng viên… đến nay diện tích tự nhiên đã là 28.213 ha (tăng 5,64 lần) với 17 đơn vị hành chính (10 phường và 7 xã); dân số xấp xỉ 150 nghìn người (tăng 25 lần). Đảng bộ thành phố hiện nay có 53 tổ chức cơ sở đảng với 380 chi bộ dưới cơ sở, 8.828 đảng viên (tăng 70 lần so với năm 1992).
Ảnh: Tuấn Ngọc |
Thành phố Lào Cai hôm nay không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của tỉnh mà còn là điểm sáng trong bản đồ đô thị quốc gia khi nằm ở vị trí điểm nhấn trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và trung tâm cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế của thành phố Lào Cai có sự chuyển dịch đúng hướng, trong đó ngành thương mại, dịch vụ từ điểm xuất phát gần như bằng 0 thì nay đã chiếm 49,4% tỷ trọng nền kinh tế; hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh mẽ. Khu kinh tế cửa khẩu ngày càng sôi động, giữ vai trò động lực đối với nền kinh tế của tỉnh với kim ngạch hàng hóa xuất – nhập khẩu trong năm 2021 đạt gần 3,5 tỷ USD. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm trên 47%; ngành nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản xuất.
Thành phố Lào Cai được quy hoạch đồng bộ và hiện đại Ảnh: Cao Cường – Ngọc Bằng |
Với tầm nhìn chiến lược, thành phố Lào Cai sớm được quy hoạch đồng bộ, hình thành rõ nét các phân khu chức năng như khu trung tâm hành chính của tỉnh; khu thương mại – dịch vụ Kim Thành; các khu dân cư, tiểu khu đô thị khang trang, hiện đại, văn minh. Hạ tầng cơ sở thành phố Lào Cai được đầu tư với nguồn lực lớn, trong đó mạng lưới giao thông đô thị, hệ thống kè sông, suối, công trình công cộng được xây dựng với nguồn lực lớn; hệ thống 5/6 cầu đã hoàn thành, phục vụ tốt việc kết nối phát triển giữa hai bờ tả – hữu sông Hồng. Năm 2014, thành phố đã hội tụ đủ điều kiện trở thành là đô thị loại II và hiện đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
Giáo dục – đào tạo của thành phố Lào Cai có điểm nổi bật là luôn giữ vững ngôi vị lá cờ đầu của tỉnh và các thành phố trong khu vực Tây Bắc; chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên rõ rệt; hoạt động văn hóa thông tin, thể thao ngày càng phong phú và đa dạng, hệ thống nhà văn hóa được quy hoạch hoàn chỉnh, quy mô, hiện đại; an sinh xã hội được quan tâm, đến nay thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo.
Xây dựng nông thôn mới được quan tâm nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: Thành Phú – Cao Cường |
Quốc phòng, an ninh thành phố Lào Cai thường xuyên được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Thành phố luôn duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với huyện Hà Khẩu và thành phố Mông Tự (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc). Năm 2010, thành phố Lào Cai được Hiệp hội Hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc bình chọn là “Thành phố hợp tác – hữu nghị với Trung Quốc”.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị không ngừng được chăm lo, củng cố, kiện toàn, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền liên tục có sự đổi mới, năng động, sát thực tiễn; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, thiết thực và hiệu quả.
Ảnh: Cao Cường |
Phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và Nhân dân thành phố càng ý thức sâu sắc trách nhiệm về tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, ra sức phấn đấu để thành phố Lào Cai luôn là hạt nhân, động lực chính để tỉnh Lào Cai phát triển, trở thành trung tâm kết nối, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó tập trung xây dựng thành phố Lào Cai là “đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất – nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ…” như tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 1/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là mục tiêu đã được Đảng bộ tỉnh xác định tại Đại hội lần thứ XVI và Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII đề ra với mục tiêu khái quát là: “Xây dựng thành phố Lào Cai ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là đô thị “sáng – xanh – sạch – đẹp”; con người thành phố Lào Cai “văn minh – lịch sự – thân thiện – kỷ cương”.
Ảnh: Cao Cường |
Để hiện thực hóa khát vọng đổi mới, phát triển, thành phố Lào Cai sẽ cụ thể hóa và tập trung triển khai các nội dung Nghị quyết số 16 ngày 1/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó: Làm tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng; tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy dịch vụ, du lịch – thương mại là mũi nhọn, công nghiệp là trụ cột, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là quan trọng.
Bằng những chính sách hợp lý, thành phố thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư với sự ưu tiên xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh; coi trọng phát triển giáo dục – đào tạo, y tế, phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Thành phố Lào Cai cũng quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đỗ Trường Sơn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lào Cai