Ngay sau khi chiếm Lào Cai, thực dân Pháp đã chú trọng khai thác các mỏ khoáng sản. Ngày 23/6/1914, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chia các vùng mỏ của toàn Bắc Kỳ thành 10 khu vực, khu mỏ Lào Cai do Công sứ nắm quyền quản lý. Hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, thông tin liên lạc hoàn chỉnh góp phần tích cực cho công nghiệp khai khoáng. Các công ty xin cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản ngày càng tăng.
Nhiều dự án chế biến khoáng sản đã được khởi công xây dựng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. |
Nhiều mỏ đã được phát hiện như mỏ graphite ở Nậm Thi; mỏ cao lanh ở thị xã Lào Cai; mỏ đồng ở làng Nhớn; mỏ apatit ở làng Cóc, Cam Đường, làng Bo; mỏ đá xây dựng ở Cam Đường, Cốc San; mỏ sắt ở Văn Bàn… Hoạt động khai thác mỏ được đẩy mạnh dựa trên việc duy trì khai thác các hầm mỏ cũ, đồng thời tổ chức khai thác các địa điểm mới đã được thăm dò.
Nhìn chung, công nghiệp khai khoáng của Lào Cai ở thời kỳ này còn nhỏ. Kỹ thuật khai thác hầm mỏ lạc hậu, giản đơn, chủ yếu sử dụng nhân lực khai thác bằng phương pháp thủ công, trang bị máy móc chỉ ở một vài mỏ.
Sau ngày hòa bình lập lại, hầu hết các cơ sở công nghiệp Lào Cai bị tàn phá, mỏ apatit ngừng khai thác từ năm 1944. Cùng với khôi phục sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 1955, Nhà nước đã khởi công phục hồi xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai và tiến hành thăm dò mỏ apatit. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, mỏ apatit khảo sát nguồn tài nguyên trữ lượng apatit và phương thức khai thác phục hồi sản xuất…
Đất nước thống nhất, trong thời kỳ thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, công nghiệp Lào Cai với nền tảng từ giai đoạn trước đã có bước phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng loạt cơ sở vật chất phục vụ sản xuất đã bị phá hoại. Ngoài ra, cơ chế quản lý không phù hợp đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Sản xuất sản phẩm đồng cathode 99,95% Cu tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai. |
Từ ngày tái lập tỉnh (1991), công nghiệp Lào Cai có bước phát triển cùng với công cuộc đổi mới, kiến thiết xây dựng tỉnh Lào Cai. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng trong GDP của tỉnh, ngành công nghiệp đã triển khai hiệu quả các đề án, quy hoạch. Nhiều dự án lớn đã được khởi công xây dựng, như Dự án tổ hợp đồng Sin Quyền, Dự án mở rộng Nhà máy tuyển Apatit, Dự án khai thác quặng sắt Quý Xa và xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai, các nhà máy sản xuất hóa chất và phân bón… Các dự án đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp Tằng Loỏng, Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải được triển khai, thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất. Ngành công nghiệp Lào Cai đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh.
Giai đoạn 2008 – 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng, ngành công nghiệp Lào Cai tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hàng chục nghìn tỷ đồng. Cơ cấu nội ngành phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng khai thác…
Lào Cai hiện có hơn 130 mỏ, điểm mỏ, với hơn 30 loại khoáng sản khác nhau đã được phát hiện, trong đó có nhiều mỏ trữ lượng lớn và có giá trị cao như mỏ apatit lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có trữ lượng khoảng 2,1 tỷ tấn quặng; mỏ sắt Quý Xa lớn thứ 2 trong nước, có trữ lượng 112 triệu tấn quặng; mỏ đồng Sin Quyền là mỏ đồng lớn nhất nước, có trữ lượng 52 triệu tấn quặng (khoảng 550.000 tấn đồng kim loại)…
Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Lào Cai hiện có hơn 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Riêng doanh nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 189 doanh nghiệp công nghiệp, tập trung nhiều nhất trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản (60 doanh nghiệp, chiếm gần 31,7%). Công nghiệp chế biến, trong đó chế biến khoáng sản là mũi nhọn luôn đóng vai trò chủ đạo và tạo ra giá trị lớn nhất.
Các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. |
Các nhà máy chế biến khoáng sản, luyện kim, phân bón và hóa chất hầu hết tập trung và chiếm toàn bộ diện tích đất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất của Khu Công nghiệp Tằng Loỏng tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm, nhờ chế biến sâu, giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hoạt động ổn định, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp tăng từ 26,54% lên xấp xỉ 45% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện nay, hằng năm giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 19.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5.800 lao động với thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, Lào Cai phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 đạt hơn 100.000 tỷ đồng, gấp từ 2,5 đến 3 lần so với hiện nay. Đối mặt với những khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội, tỉnh đưa ra những định hướng phát triển công nghiệp, đặc biệt tập trung cho công nghiệp chủ đạo nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác và chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường đầu tư chế biến sâu.
Ngành công nghiệp Lào Cai đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh. |
Chú trọng phát triển công nghiệp luyện kim, đưa các khoáng sản kim loại khai thác trên địa bàn vào chế biến sâu, hạn chế bán nguyên liệu thô. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất kim loại, cơ khí, điện tử, đặc biệt là những dự án lớn.
Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất hiện có nhằm sử dụng hiệu quả thế mạnh của tỉnh về nguyên liệu khoáng apatit, serpentin, đá vôi… Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích phát triển ngành trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng lâm sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa…