Thề Pả khoác màu áo mới
Buổi sớm tháng 4, mới 6 giờ sáng, từ trung tâm xã Y Tý nhìn xuống phía cầu Thiên Sinh nắng đã trải vàng rực rỡ và bầu trời xanh ngăn ngắt. Trên con đường bê tông như dải lụa uốn lượn theo sườn núi, chúng tôi xuôi dốc Lao Chải xuống thung lũng Thề Pả. Mặc dù ở Lao Chải vẫn se lạnh, nhưng càng xuống thung lũng Thề Pả càng ấm hơn. Đi dọc theo thung lũng, dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe máy xếp hàng hai bên đường, tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng máy cày, máy bừa nổ giòn tan, tiếng trò chuyện rôm rả vang lên giữa những tràn ruộng bậc thang đầy ăm ắp nước. Trong những ngày này, đồng bào Mông, Hà Nhì vừa chung tay phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực lao động sản xuất, không để nhỡ mùa vụ.
Vẻ đẹp thung lũng Thề Pả mùa nước đổ |
Gặp anh Tráng A Tề, nhà ở thôn Ngải Chồ đang xắn đất bờ ruộng từ trên xuống, bóc đi lớp đất cũ đầy cỏ, để lộ ra màu đất mới nâu vàng. Chẳng mấy chốc, cả mấy tràn ruộng bậc thang đã được thay “màu áo” mới. Trong khi đó, Tráng A Khe, con trai anh Tề đang nhanh tay dùng cuốc lấy đất bùn dưới ruộng đắp lên bờ và lướt lưỡi cuốc làm cho bờ ruộng mới thật mịn màng. Đắp bờ xong, cậu bé người Mông mới học lớp 8 đánh trâu xuống ruộng cày bừa thành thạo như người lớn.
Dừng tay cuốc, nhìn con trai và cháu nội đang lao động, ông Tráng A Pao tươi cười: Năm nay tôi 72 tuổi, nhưng vẫn xuống Thề Pả giúp các cháu chút việc. Ruộng bậc thang này từ thời tổ tiên tôi khai phá, đến nay đã qua mấy đời người, lại chia cho các con, các cháu làm tiếp và mở mang thêm. Mỗi năm cả gia đình thu trên 100 bao thóc đấy! Không chỉ người Mông ở Ngải Chồ, mà cả người Hà Nhì ở các thôn, bản, có nơi xa hàng chục cây số như ở thôn Phan Cán Sử, gần đỉnh núi Ma Cha Va, bà con cũng xuống đây làm ruộng, cấy lúa. Ruộng bậc thang Thề Pả là vựa thóc nuôi sống người dân Y Tý, Ngải Thầu hàng trăm năm nay rồi.
Ở khu ruộng bậc thang bên cạnh, những cô gái Hà Nhì đội khăn màu xanh vừa vạc bờ vừa trò chuyện rôm rả, miệng cười tươi như hoa. Còn những chàng trai khỏe mạnh thì làm công việc khó hơn là cày, bừa. Phu Đo Xe, chàng trai Hà Nhì ở thôn Lao Chải đang điều khiển máy cày lật tung từng lớp đất ruộng, chia sẻ trong tiếng máy nổ giòn tan: Đa số hộ trong thôn có máy cày rồi, làm ruộng nhanh và đỡ vất vả hơn cày bằng trâu. Tháng 3 âm lịch, bà con trong thôn làm lễ cúng Mu Thu Do, cúng thần ngựa trên núi Gạ Ta Mò không xuống phá lúa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Theo hướng tay Phu Đo Xe chỉ, tôi ngước nhìn lên phía đỉnh núi cao với vách đá trắng sừng sững giống hình một chú ngựa in trên đó. Thì ra thung lũng Thề Pả nằm ngay dưới chân đỉnh núi khổng lồ này, bà con vẫn gọi là núi Thần Ngựa (Gạ Ta Mò). Tôi nhớ một lần nghe già làng Ly Seo Chơ ở thôn Lao Chải kể rằng, theo truyền thuyết của người Hà Nhì, trước đây có thời gian mất mùa liên miên, là do ngựa thần trên núi hay xuống phá lúa của bà con, ngày tết thì vào quấy phá dân làng. Thầy cúng phải làm lễ cúng thần ngựa, đặt con hổ đá (Hà Gừ) hướng về phía đỉnh núi thì ngựa thần mới không phá lúa nữa. Từ đó lúa, ngô tươi tốt trở lại.
Không rõ truyền thuyết thực hư như nào, nhưng ở thung lũng Thề Pả bây giờ vẫn còn 3 con hổ đá được bà con giữ gìn, bảo vệ. Hằng năm, người Hà Nhì ở đây đều thực hiện các nghi lễ cúng các vị thần nông nghiệp, như lễ cúng rừng Gạ Ma Do (tháng Giêng), lễ cúng hạt lúa nảy mầm Mu Thu Do (tháng Ba), lễ hội Khô Già Già cầu mùa màng bội thu (tháng Sáu âm lịch)… Ruộng bậc thang luôn được coi là tài sản quý giá nhất, được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Cuộc sống dưới thung lũng di sản
Dù đã nhiều lần đến mảnh đất vùng cao Y Tý, nhưng tôi ít khi có dịp xuống thung lũng Thề Pả mà chỉ đi dạo quanh trung tâm xã và một số thôn gần như Choản Thèn, Lao Chải, Mò Phú Chải, Tả Gì Thàng. Thực ra, những thôn, bản đó chỉ là nơi ở của đồng bào Mông, Hà Nhì, còn mảnh đất rộng lớn, tươi đẹp là nơi đa số cư dân Y Tý canh tác, sản xuất hàng trăm năm qua lại là thung lũng Thề Pả giáp với cầu Thiên Sinh. Nơi đây có quần thể ruộng bậc thang tuyệt đẹp, với tổng diện tích trên 223 ha, do đồng bào người Mông, Hà Nhì ở Y Tý và một phần xã Ngải Thầu khai phá, canh tác từ nhiều đời trước.
Người dân làm ruộng vụ mới. |
Cách đây khoảng chục năm, để đến thung lũng Thề Pả đường đi quá khó khăn, nên du khách muốn xuống tham quan ruộng bậc thang và cầu Thiên Sinh cũng khó. Từ khi có tuyến đường bê tông từ trung tâm xã Y Tý xuống cầu Thiên Sinh, thung lũng Thề Pả nhộn nhịp hẳn lên, nhất là vào mùa hè nước đổ hoặc mùa thu lúa chín vàng. Năm 2015, thung lũng Thề Pả với quần thể ruộng bậc thang kỳ vỹ bậc nhất Tây Bắc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản quốc gia danh lam, thắng cảnh.
Đi dọc thung lũng Thề Pả, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những tràn ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp như sóng lượn, với màu nâu vàng của đất mới, màu xanh của mạ non, màu nước in sắc trời lấp lánh dưới ánh nắng vàng. Tuyệt vời hơn nữa xen giữa những tràn ruộng bậc thang là những chiếc lều lán nhỏ đẹp như trong truyện cổ tích, là nơi ở để sản xuất quanh năm hoặc bà con nghỉ ngơi trong thời gian xuống làm ruộng. Những chiếc lều của người Hà Nhì dễ dàng nhận ra bởi nhà hình vuông, tường đất dày, lợp 4 mái, phía sau làm bằng gỗ, tre, nứa để nhốt trâu. Còn lều của người Mông lợp 2 mái, có thể làm tường đất hoặc tường tre, nứa, gỗ, có lều được xây bằng gạch khá kiên cố.
Từ giữa thung lũng Thề Pả, nhìn lên trên một mỏm đất cao có cây dẻ cổ thụ hàng trăm tuổi là chiếc lều đất của gia đình ông Chu Hờ Sứ. Tuy nhà chính ở thôn Lao Chải nhưng gần chục năm nay, ông Sứ thường xuyên ở dưới căn lều này để trồng trọt, chăn nuôi. Ông Sứ tâm sự: Trên thôn, đất đai chật hẹp, phát triển du lịch cộng đồng nên chăn nuôi không tiện, vì thế tôi xuống Thề Pả chăn nuôi. Gia đình tôi có đàn trâu 5 con, với đàn gà, vịt, ngan, vườn rau, ao cá…Dưới này đất đai màu mỡ, mùa đông ấm hơn hẳn trên Y Tý, nên bà con thường đưa trâu xuống đây tránh rét. Không chỉ nhà tôi, mà nhiều hộ khác ở Y Tý cũng xuống đây làm ăn, sinh sống.
Bữa cơm ngày mùa của người Hà Nhì. |
Đến một số lều lán khác dưới Thề Pả, tôi cảm nhận được một nhịp sống mới đang sinh sôi giữa vùng thung lũng di sản này. Trong những căn lều lán đơn sơ, bà con ở tạm trong ngày mùa dù chỉ có mấy bộ bát đĩa, xoong nồi, chăn màn để nghỉ tạm nhưng rất đỗi bình yên. Một bà cụ người Mông đu đưa chiếc võng nhỏ bằng vải ru cháu bé mấy tháng tuổi ngon giấc ngủ dưới tán đào trĩu quả. Một bếp nhỏ đỏ lửa với nồi cơm đang sôi tỏa hương thơm nức. Mấy thanh niên trên bản đi cày ruộng còn mang theo cả chiếc loa nhỏ cắm điện thoại hát những bài dân ca Mông, dân ca Hà Nhì vui nhộn. Mấy chú chim quế lâm, họa mi nhảy nhót trong lồng cất tiếng hót véo von. Hoặc tiếng cười khúc khích của mấy thiếu nữ dưới ruộng bậc thang… Tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy thật gần gũi, dung dị, đáng yêu biết bao.
Buổi trưa muộn, đám thanh niên giúp nhau đi cày đã trở về nghỉ ngơi trong những căn lều nhỏ. Ông Chu Hờ Sứ cùng vợ bày chiếc mâm mây ngay dưới gốc dẻ. Mâm cơm có thịt vịt đồng, cá nấu canh rau cải, đặc biệt là một bát những con nhộng màu đen bắt trên rừng, con dế bắt dưới ruộng cày được rang lên giòn tan, thơm nức. Mọi người ăn cơm, trò chuyện thật vui vẻ. Gió đồng thổi lên mát rượi, xào xạc những tán lá cây, mang theo cả mùi bùn đất mới thơm tho. Xa xa, mặt trời chiếu rọi xuống ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả lấp lánh như dát bạc…