Phối hợp tuần tra biên giới
Vừa thấy chúng tôi, các đồng chí trong đồn đã vội vã ra đón, người mang giúp đồ người hỏi han xem có ai mệt không? Có lạnh lắm không? …. Chưa kịp trả lời anh đồn trưởng mời chúng tối vào căn phòng có chiếc chậu than để sưởi ấm, anh ân cần bảo: “Trên này lạnh lắm, các đồng chí ngồi đây uống trà cho đỡ lạnh”. Cùng ngồi nói chuyện và chia sẻ, chúng tôi được biết các anh đều đã gắn bó nhiều năm trong lực lượng biên phòng và trải qua nhiều vị trí công tác nên thân thuộc hầu hết địa danh, sông, suối dọc tuyến biên giới. Các anh kể về kỷ niệm vui, buồn, về những chuyến tuần tra dưới cơn mưa rừng dai dẳng, lạnh buốt hay cái nắng rát mặt dưới những tàn cây đỏ bụi trong đợt cao điểm mùa khô hay những lần cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để vừa tuyên truyền, vận động vừa giúp đỡ nhân dân vùng biên ổn định đời sống. Công việc của các anh bao năm vẫn thế, vẫn đi bộ tuần tra dọc tuyến đường biên phụ trách, âm thầm mật phục truy bắt đối tượng buôn lậu qua biên giới. Thực hiện các đợt vận động quần chúng, giúp dân sửa nhà, sửa chữa đường giao thông, thu hoạch mùa vụ…
Theo chân các anh đi tuần tra biên giới mới thấy hết được nỗi vất vả, nguy hiểm của các anh. Với đặc thù vùng biên giới dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên rất dễ bị kẻ gian lợi dụng, lôi kéo. Hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Khương thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức: Tuần tra đột xuất, tuần tra song phương hoặc tuần tra theo kế hoạch. Các anh chia sẻ: “Nếu là tuần tra khép kín thì để kiểm tra hết 18 cột mốc mà đồn phụ trách phải mất từ 6 – 7 ngày hành quân ròng rã. Đặc biệt bốn mốc 135,136, 137 và 137(1) của thôn Dê Chú Thàng thuộc thị trấn Mường Khương với địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy rình rập các anh phải đi một tổ riêng. Dọc đường tuần tra nếu gặp nhà dân thì dừng chân nghỉ tạm, không gặp thì mắc võng nghỉ trong rừng, nấu ăn tại chỗ, trời mưa không nhóm được lửa thì chấp nhận dùng số lương khô mang theo…”. Ngoài tuần tra, mật phục, các anh còn cử cán bộ, chiến sĩ tới tận thôn bản trọng điểm của địa bàn phụ trách để nắm tình hình, kịp thời xử lý khi có vụ việc xảy ra. Nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng trên, đội phòng chống ma túy và tội phạm luôn chủ động nắm chắc âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật, quy chế biên giới cho nhân dân. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát các đoạn biên giới trọng điểm, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Trở về với cuộc sống rất đỗi đơn sơ, mộc mạc của những người lính biên phòng sau mỗi phiên tuần tra, các anh lại tranh thủ phát cỏ, cuốc đất trồng rau; làm chuồng trại nuôi lợn, gà; tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Có thể nói, chẳng ở đâu lại có nhiều rau, thịt, cá sạch như ở đây bởi toàn là những thứ cây nhà lá vườn.
Ở nơi núi rừng heo hút này, để làm giàu đời sống tinh thần, ngoài hoạt động thể thao, các anh còn tự nghĩ ra hình thức sinh hoạt văn nghệ làm phong phú thêm đời sống chiến sĩ. Những buổi sinh hoạt văn nghệ không chỉ tạo mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ mà còn giúp các đồng chí nắm bắt tư tưởng của đồng đội, nhất là những chiến sĩ mới để kịp thời động viên, chia sẻ, giúp các em tự tin vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một chiến sỹ quan trẻ tuổi tên Tin mới về đồn nói với chúng tôi: “Em rất tự hào vì mình là người lính biên phòng. Nhiệm vụ nào được giao em cũng cố gắng hoàn thành thật tốt, dù khó khăn, gian khổ đến mấy. Người dân được yên vui, ấm no, hạnh phúc là niềm vui của chúng em. Em nghĩ, đồn không chỉ là nhà mà còn là nơi để em hiểu hơn về tình đồng chí, đồng đội”. Các anh trong đồn bảo: Cậu này người Thái Bình, hát hay lắm anh chị ạ những ngày mới lên không chịu được rét ốm suốt. Giờ thì quen rồi, như người bản địa rồi, nói tiếng Mông giỏi lắm ấy… Biết nói về mình, cậu lính trẻ ngượng: “Giờ em chỉ mong mẹ em lên thăm em một lần, lâu lắm em không về vì đơn vị nhiều việc quá. Với lại em cũng muốn mẹ em biết chỗ em ở và làm việc để mẹ em yên tâm chị ạ”. Niềm vui của người lính trẻ đôi khi chỉ là có ai đó đến thăm, hay vừa giúp được người dân dựng nhà, làm đường,…. chỉ vậy thôi, đơn sơ mà ấm nồng.
Tạm biệt những người lính đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, trở về nơi phố thị trong chúng tôi như văng vẳng bên tai lời bài hát của nhạc sĩ Thế Hiển: “cho tôi ca bài ca về người chiến sỹ nơi tuyến đầu, nơi biên cương rừng sâu anh âm thầm, chịu đựng gió sương , dẫu có những gian lao,dẫu có những nhọc nhằn, mang trong trái tim anh trọn niềm tin…. Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương” .