Quang cảnh hội nghị.
Được thành lập từ năm 2003, trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, trải qua gần 20 đồng hành cùng sự phát triển đi lên của thị xã, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sa Pa đã khẳng định vai trò và sứ mệnh của một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội tham gia thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, với 27 thành viên, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình Hộ nghèo và Giải quyết việc làm) những ngày đầu thành lập, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã với 16 chương trình tín dụng ưu đãi và một số chương trình, dự án do địa phương thực hiện. Đến 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 357 tỷ đồng, gấp 3.690 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 20,7% với trên 7.661 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tập trung chủ yếu vào 08 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 98,8% tổng dư nợ.
Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã cũng dần có được mật độ bao phủ rộng khắp với 16 điểm giao dịch tại 16 xã, phường, đây là mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động của đơn vị. Vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, toàn bộ hệ thống của chi nhánh trên địa bàn đã có 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 113 thôn, tổ dân phố. 04 tổ chức chính trị – xã hội của thị xã đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý nguồn vốn trên 355 tỷ đồng và nhận ủy thác cho hội viên và các đội tượng chính sách vay vốn ưu đãi, hướng dẫn và duy trì hoạt động. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và nâng cao đời sống. Thông qua hoạt động của các tổ tín dụng, cấp uỷ chính quyền các địa phương cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân.
Không chỉ là “điểm sáng” trong thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, mà hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay, với tổng nguồn vốn quản lý hơn 351 tỷ đồng tăng hơn 341 tỷ, gấp 3.566 lần so với năm 2003. Trong đó: Ngân sách TW gần 253 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 23 tỷ 500 triệu đồng, chiếm 6,7%/tổng nguồn vốn, ngân sách thị xã 21 tỷ 055 triệu đồng chiếm 6%/tổng nguồn vốn. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng cơ cấu nguồn vốn tự huy động và nguồn lực tại địa phương, điều này cũng thể hiện rõ tính hiệu quả của chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” trong hoạt động tín dụng chính sách.
Trao Giấy khen của UBND thị xã Sa Pa, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng.
Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 40, của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thị xã Sa Pa đã tích cực cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung 21.055 triệu đồng vào nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm 6%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn cân đối được đầu tư trọng điểm vào 02 mô hình với 18 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã.
Sau 20 năm triển khai, nguồn vốn từ kênh tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, như một làn gió mới thổi vào nền kinh tế, xã hội, thức dậy những tiềm năng thế mạnh của địa phương. Vốn tín dụng ưu đãi đã được đầu tư đến 100% xã, phường trong toàn thị xã; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và đã có trên 33.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, với doanh số cho vay đạt trên 879.500 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt trên 553.200 triệu đồng; góp phần giúp trên 11.400 lượt hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 33.000 lao động, xây dựng trên 4.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xóa trên 500 căn nhà tạm,… Kết quả đến 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 360 tỷ đồng với trên 7.400 hộ còn dư nợ; tăng gấp 3.685 lần so với thời điểm thành lập, tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt trên 20,7%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, đến cuối năm 2021, cả thị xã còn 8,66% hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 8,02%.
Những thành quả đạt được sau 20 năm, càng góp phần tô vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc sáng tươi trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho thấy những đóng góp to lớn của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã vào công cuộc đẩy lùi đói nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở thị xã Sa Pa, góp phần để thị xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo qua từng giai đoạn. Đây là nền tảng để Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sa Pa tiếp tục có thêm những bước tiến mới trên chặng đường phát triển phía trước, phát huy cao độ vai trò cũng như sứ mệnh của một Ngân hàng vì người nghèo và các đối tượng chính sách với khẩu hiệu hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Nhân dịp này, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khen thưởng 07 tập thể, 25 cá nhân. UBND thị xã Sa Pa khen thưởng 10 tập thể, 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn thị xã.