LCĐT – Sự quan tâm đầu tư của địa phương cùng những khát khao vươn lên của các hộ đồng bào Dao thôn Trát 1 và Trát 2 đang mang đến những thay đổi tích cực cho miền đất nghèo thuộc thị trấn Tằng Loỏng.
Thôn Trát 1 (Trát Hạ) và Trát 2 (Trát Thượng) thuộc vùng cao thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng), cách trung tâm thị trấn hơn 8 km. Tiếng là thuộc thị trấn nhưng cuối năm 2021, người dân nơi đây mới được sử dụng điện lưới quốc gia, đường bê tông dẫn tới thôn mới được mở rộng, điểm trường mầm non cũng vừa được nâng cấp kiên cố, khang trang. Sự quan tâm đầu tư của địa phương cùng những khát khao vươn lên của các hộ đồng bào Dao thôn Trát 1 và 2 đang mang đến những thay đổi tích cực cho miền đất nghèo.
Ngày mới ở thôn Trát không chỉ có ánh sáng mặt trời mà còn có ánh sáng điện lưới Quốc gia. |
Giải thích cho sự chuyển mình muộn mằn ở thôn vùng cao Trát 1 và Trát 2, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tằng Loỏng Trần Ngọc Oanh bảo là do đô thị đặc thù, không thuộc diện được hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới suốt bao năm qua nên địa phương có những thiệt thòi. Sau khi huyện Bảo Thắng “về đích” nông thôn mới, những thị trấn như Phố Lu (phần xã Phố Lu sáp nhập), Phong Hải và Tằng Loỏng mới có được quan tâm hơn. Cụ thể, năm 2022, huyện đã dành hơn 2 tỷ đồng mở rộng 6,4 km tuyến đường bê tông từ Quý Xa – Tằng Loỏng tới thôn Trát 1 và Trát 2, trong đó hơn 1 tỷ đồng đóng góp từ phía người dân 2 thôn là giá trị đất làm nền đường, ngày công và tiền.
Thôn vùng cao Trát 1 và Trát 2 giáp ranh với thị xã Sa Pa. |
Cùng ông Lê Chí Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tằng Loỏng đi thực tế bằng xe máy tới thôn Trát 1, Trát 2, thi thoảng chúng tôi lại gặp những xe tải chở vật liệu xây dựng, chở nông sản, chở củi, gỗ bon bon trên đường. Đường phẳng, thoáng, rộng nên chỉ loáng cái chúng tôi đã có mặt tại thôn Trát 1. Đón chúng tôi là Trưởng thôn Vàng Dùng Trâu, người được bà con xem là hình mẫu làm ăn năng động của thôn. Anh mở quán bán hàng tạp hóa bên đường mới mở rộng, làm cầu nối giao thương, mua bán, trao đổi gia súc, vật nuôi, nông sản giữa tư thương với bà con. Có nhiều địa chỉ của các tư thương trong danh bạ điện thoại nên không để bà con phải chịu thiệt, ai có con trâu, con gà, con lợn hoặc thóc, ngô, gỗ vườn trồng, củi bán anh đều giúp cách liên lạc, tìm mối mua với mức giá cao nhất cho bà con. “Mình giới thiệu giúp bà con trong thôn bán được giá. Trước đây, đường sá khó khăn, ít mối tìm đến nên bà con bị ép giá, tội lắm”, anh Trâu nói.
Một điểm nuôi cá tầm ở điểm cao nhất thôn Trát 2. |
Ngoài bán hàng, anh Vàng Dùng Trâu còn mở dịch vụ xay xát. Cách đây 2 năm, điện lưới quốc gia chưa có, phải chạy bằng máy nổ diezen, vận hành rất phức tạp. “Ngày nào cũng phải sửa, quần áo lem nhem dầu mỡ. Mệt nhất là mỗi lần nổ máy phải quay tay, đàn ông khỏe, quen việc mới làm được. Giờ thì vợ mình cũng xát được gạo rồi, dập cầu dao cái là xong, có quạt điện nên gạo sạch lắm”, anh Trâu hể hả khoe.
Những ngôi nhà đang mới và đang xây dựng ở hai thôn Trát. |
Thôn vùng cao Trát 1 có 84 hộ, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nỗ lực từ người dân mà đời sống đồng bào Dao trên địa bàn đã thay đổi rất nhiều. Vốn là thôn có nhiều hộ thiếu đói mùa giáp hạt, hộ nghèo thì nay chỉ còn 18 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới, không còn hộ thiếu đói. Ở Trát 1 giờ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế khá, những điển hình năng động, tích cực lao động, sản xuất, như ông Vàng Sùn Phú nuôi 19 con trâu, bò; anh Vàng Sùn Tá nuôi 11 con trâu; anh Vàng Sùn Nhàn nuôi nhiều lợn đen, dê và gia cầm, năm nào cũng dư giả thóc bán cho tư thương.
Giờ tan học của học sinh mầm non thôn Trát 2. |
Trước đây, cái sự học còn lạ lẫm với bà con thì nay con em trong thôn đã có nhiều người đỗ đạt như anh Vàng Sành Kinh, người đầu tiên của thôn học đại học chính quy mới ra trường đã được tuyển dụng chức danh Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tằng Loỏng. Anh Vàng Vũ Bình Minh, học đại học chuyên ngành quản lý Nhà nước cũng được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân…
Ông Vàng Lùng Cáu, Bí thư Chi bộ thôn Trát 1 cho biết: Chi bộ hiện có 18 đảng viên, Chi ủy có 3 đồng chí, trung bình 4 hộ có 1 đảng viên, đó là điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc giao các đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ, nhóm hộ cụ thể.
Đường mới ở hai thôn Trát |
Chiều muộn, sự nhiệt thành của Chủ tịch UBND thị trấn khiến tôi không thể khước từ chuyến tham quan mô hình nuôi cá tầm tại thôn Trát 2. Đường lên điểm nuôi cá nước lạnh không đơn giản bởi con dốc khấp khểnh, gập ghềnh đá, những bờ ruộng sụt sạt toang hoác mà xe máy phải vượt qua. Đây là điểm cao nhất của thị trấn Tằng Loỏng, giáp đại ngàn thuộc sườn Đông dãy Hoàng Liên Sơn của thị xã Sa Pa nên có khí hậu, thời tiết, nguồn nước lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Năm 2020, thanh niên Phàn Ồng Lố bàn với bố mẹ xây dựng ao nuôi cá tầm, dù chưa thấy, chưa hiểu gì về cái giống cá “lạ hoắc” này nhưng chị Vàng Thị Mẩy và anh Phàn Dào Tá vẫn nhất trí cao bởi cả hai luôn tin vào sự năng động, dám nghĩ, dám làm của con trai mình. Chưa có đường giao thông, việc vận chuyển vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng xe máy trên quãng đường dài 3 đến 4 km, nhưng với sự kiên trì, cần cù và quyết tâm, cuối cùng, dự án quy mô hộ gia đình cũng hoàn thành trong niềm hân hoan của các thành viên. Năm 2021, gia đình nuôi 3.000 cá giống, dù gặp trắc trở, bỡ ngỡ về kỹ thuật nhưng tổng kết vẫn có lãi; năm 2022 bể được xây thêm và sản lượng cũng tăng 2 lần, mức lãi là 150 triệu đồng. Thành công từ mô hình kinh tế của gia đình anh Tả, chị Mẩy đã lan tỏa tới một số hộ trong thôn, đến nay, thôn Trát 2 đã có 6 cơ sở nuôi cá tầm, hộ nào nuôi cũng có lãi trong năm vừa qua.
Ngày mới ở hai thôn Trát |
Ông Lê Chí Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tằng Loỏng thông tin: Thôn Trát 2 có 54 hộ thì 22 hộ thuộc diện nghèo đa chiều. Trước đây, kinh tế nhiều hộ phụ thuộc chính vào thảo quả, do cây này bị thoái hóa, năng suất thấp, giá sản phẩm hạ trong 2 vụ vừa qua nên người dân không còn mặn mà, trong khi chính quyền không khuyến khích phát triển trồng cây này. Bởi vậy, việc nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi gia súc, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu đang là hướng phát triển ưu tiên tại thôn Trát 2.
Chúng tôi trở về trung tâm thị trấn khi hoàng hôn chuyển màu đỏ rực trên sườn Hoàng Liên. Cuối buổi học, các cô giáo mầm non mở cánh cửa ngôi trường mới xây trong tiếng râm ran nô đùa của đám trẻ. Những khóm đào nở muộn đang ngóng gió xuân phơi phới, cánh hoa mỏng khẽ cựa mình, e ấp như lần đầu tiên được khoe mình trước tia nắng chiều…