Nông dân Văn Bàn làm đất vụ đông. |
Có mặt trên cánh đồng thuộc xã Sơn Hải (Bảo Thắng) mùa thu hoạch lúa không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc máy gặt lúa liên hoàn hoạt động hết công suất, giúp nông dân thu hoạch lúa mùa, hay hình ảnh người nông dân dùng máy phát rạ, máy cày làm đất trồng cây vụ đông. Ông Trần Văn Hương, người dân xã Sơn Hải cho biết: Nếu như trước đây, tất cả các khâu từ làm đất đến chăm sóc, thu hoạch… đều phải làm thủ công thì nay hầu hết đã được áp dụng cơ giới hóa. Một sào ruộng nay chỉ dùng máy thu hoạch vài phút là có thể mang thóc về nhà; việc cày xới một sào đất nay cũng không tốn đến 20 phút. Áp dụng phương tiện cơ giới giúp nông dân giảm rất nhiều sức lao động.
Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, những năm qua, huyện Bảo Thắng luôn quan tâm thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất. Các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản đều có tỷ lệ cơ giới hóa khá cao. Toàn huyện hiện có 472 máy phục vụ khâu làm đất, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đối với diện tích trồng lúa đạt trên 73%, trồng rau đạt trên 58,1%. Các địa phương trong huyện có 1.360 máy phục vụ khâu chăm sóc, tỷ lệ cơ giới hóa trong chăm sóc cao nhất thuộc về cây chè với 805 ha/858 ha, đạt trên 93,8%. Với khâu thu hoạch, có 135 máy tuốt lúa và 265 máy tẽ hạt ngô; ngoài ra còn 142 máy phục vụ khâu chế biến, bảo quản nông sản…
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Bảo Thắng tăng đáng kể trong những năm qua, nhất là ở các khâu nặng nhọc như làm đất và thu hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ cơ giới hóa ở các xã vùng thấp có thể đạt gần 100% đối với các khâu này. Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng máy, góp phần nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Tại huyện Văn Bàn, tỷ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt tỷ lệ cao, nhất là ở khâu làm đất cấy lúa (95%); thu hoạch lúa (95%); vận chuyển ngô, sắn (100%); chế biến lúa, ngô, sắn (100%). Tuy nhiên, ở khâu gieo trồng và chăm sóc, tỷ lệ cơ giới hóa tương đối thấp, chủ yếu người dân vẫn áp dụng các phương pháp làm thủ công.
Để thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, huyện Văn Bàn đã thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án (chương trình 135, nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vốn WB, Quyết định 2086/CP-TTg…). Ngoài cơ chế Nhà nước hỗ trợ, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa bằng nguồn lực tự có hoặc vốn vay. Đến nay, toàn huyện có 9.221 máy cơ giới các loại phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản. Dù vậy, đây là con số còn khá khiêm tốn đối với một huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn như Văn Bàn.
Được biết, với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, huyện Văn Bàn đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy cơ giới hóa trong giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, huyện triển khai các mô hình, dự án chuyển giao máy, thiết bị phục vụ các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản… nông sản cho nông dân các địa phương với tổng số tiền ước khoảng gần 9 tỷ đồng.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt tại huyện Bảo Thắng.
Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 81.000 máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, gồm các loại máy kéo (4 bánh, 2 bánh), máy gieo hạt, máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm nước và máy thu hoạch…
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, ngành nông nghiệp Lào Cai đang đẩy mạnh cơ giới hóa một cách đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung đầu tư cơ giới vào các khâu yếu như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tránh tổn thất. Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát tiềm năng, lợi thế của từng vùng để lựa chọn loại máy, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh tích tụ đất đai, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa; tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó là hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa; đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học – công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất… góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.