Từ đầu tháng 5, những chuyến xe tải chở quả vải tươi của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã lên Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh được coi là vựa vải của cả nước như Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, việc tổ chức xuất khẩu quả vải tươi nói riêng luôn được các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai quan tâm.
Cán bộ hải quan kiểm tra quả vải tươi trước khi xuất khẩu. |
Sau khoảng 5 giờ di chuyển từ Hải Dương, chiếc xe container chở hơn 20 tấn quả vải tươi của Công ty TNHH Huy Hiếu đã có mặt tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành để làm các thủ tục xuất bán sang Trung Quốc. Anh Phạm Phúc Đức, nhân viên Công ty TNHH Huy Hiếu chỉ mất khoảng 20 phút để hoàn thành các thủ tục cho xe chở quả vải tươi đầu tiên trong ngày được xuất sang biên giới. Anh Đức cho biết: Cũng như mọi năm, năm nay, lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai tiếp tục tạo thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục xuất khẩu quả vải tươi trong thời gian sớm nhất. Nhờ đó, chất lượng quả vải được đảm bảo, giữ uy tín và thương hiệu với người tiêu dùng Trung Quốc.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lào Cai đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là với người và phương tiện vận chuyển quả vải tươi từ vùng có dịch, không để lây lan trên địa bàn. Cụ thể, tại Km137, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tất cả lái xe và người có mặt trên phương tiện vận chuyển quả vải tươi đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra nhanh kháng thể Covid-19. Khi không có biểu hiện, triệu chứng của nhiễm Covid-19, những lái xe, người ngồi trên xe vải tươi mới tiếp tục được di chuyển lên khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Kim Thành, thành phố Lào Cai.
Ông Lương Đình Huấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai cho biết: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện nghiêm việc phòng, chống Covid-19, đặc biệt là với những lái xe, người ngồi trên xe từ vùng dịch đến địa bàn tỉnh Lào Cai. Cụ thể, cán bộ của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai thực hiện việc phun khử khuẩn phương tiện, đồng thời yêu cầu lái xe và những người ngồi trên xe về khu vực ăn nghỉ tập trung riêng biệt và được quản lý chặt chẽ. Tiếp theo, lái xe trung chuyển phía Trung Quốc sẽ đưa xe vải tươi qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Sau khi hoàn thành việc xuất khẩu hàng hóa, lái xe Trung Quốc bàn giao xe để các lái xe (chở vải tươi từ vùng dịch) điều khiển phương tiện về thẳng địa phương. Việc phun khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản được đơn vị thực hiện khoa học, vừa đảm bảo phòng, chống Covid-19 vừa đáp ứng yêu cầu về thời gian của chủ phương tiện. Một điều bắt buộc với lái xe và người đi cùng xe chở quả vải tươi từ vùng dịch lên Lào Cai là phải có giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime – PCR.
Những ngày đầu mùa, lượng vải xuất khẩu còn ít, khoảng 30 – 40 tấn/ngày, nhưng đến cuối tháng 5 đã lên tới 500 – 600 tấn/ngày, tương đương 50 – 60 xe. Dự kiến khoảng nửa đầu tháng 6 khi vào chính vụ, mỗi ngày sẽ có khoảng 1.000 tấn quả vải tươi được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tính từ ngày 8/5 đến hết 31/5 đã có khoảng gần 8.000 tấn quả vải được xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, với tổng trị giá hơn 4,5 triệu USD. Hiện có hơn chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia xuất khẩu quả vải tươi qua cửa khẩu này.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết: Chi cục đã phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu để đưa ra những giải pháp giúp việc xuất khẩu nông sản nói chung, quả vải tươi nói riêng được thuận lợi nhất; chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tăng cường nhân lực, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hải quan; đồng thời yêu cầu cán bộ hải quan đi làm sớm hơn 15 phút so với thời gian quy định để hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu được nhanh và thuận lợi nhất.
Việc tạo điều kiện thuận lợi của lực lượng chức năng Lào Cai trong việc xuất khẩu quả vải tươi đã góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, nhất là với các địa phương đang có dịch Covid-19.