Quang cảnh buổi làm việc. |
Tham dự hội nghị về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Về phía Đoàn công tác tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng thông tin về tiến độ dự án. |
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã khái quát tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án và một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với tỉnh Lào Cai hỗ trợ, tham gia tháo gỡ.
Theo đó, về tiến độ đầu tư và công tác phối hợp giữa hai tỉnh, ngày 17/11/2021, tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu đã tổ chức buổi làm việc để trao đổi, thống nhất một số nội dung về phương án đầu tư xây dựng dự án.
Sau buổi làm việc giữa hai tỉnh, tỉnh Lai Châu đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Lai Châu thực hiện đầu tư xây dựng Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) trên Quốc lộ 4D, bằng nguồn vốn ngân sách do tỉnh Lai Châu quản lý (bao gồm cả phần trên địa bàn tỉnh Lào Cai) và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 327/TTg-CN ngày 13/4/2022.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 12/7/2022, tại thị xã Sa Pa, một số sở, ngành của hai tỉnh và UBND thị xã Sa Pa đã có buổi làm việc nhằm xác định phạm vi ảnh hưởng và khái toán chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.
Theo đó, các bên đã xác định tổng diện tích đất cần thu hồi chuyển đổi bên phía địa phận tỉnh Lào Cai là 37 ha, trong đó có 3,6 ha đất rừng sản xuất và 8,75 ha đất rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên, chi phí giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, theo ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Chính phủ và theo quy định của Luật Ngân sách thì không dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Như vậy, tỉnh Lai Châu không có cơ sở để thực hiện chi phí giải phóng mặt bằng tại địa phận tỉnh Lào Cai và tỉnh Lào Cai không đủ điều kiện để tiếp nhận nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng từ tỉnh Lai Châu.
Từ những vướng mắc trên, căn cứ vào yêu cầu về tiến độ của dự án, tỉnh Lai Châu đề nghị tỉnh Lào Cai hỗ trợ phần kinh phí giải phóng mặt bằng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Lào Cai bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Đề nghị tỉnh Lào Cai bổ sung danh mục dự án và sớm đưa phần diện tích đất phải chuyển đổi vào đăng ký kế hoạch sử dụng đất với HĐND tỉnh. Về phía tỉnh Lai Châu, sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng sớm để bàn giao cho địa phương thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường nêu ý kiến. |
Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đề nghị cơ quan chức năng hai tỉnh sớm phối hợp thực hiện các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng đề nghị tỉnh Lào Cai sớm triển khai thực hiện đầu tư trục đường D1 (dài 2,2 km) theo quy hoạch chi tiết khu dân cư tổ 13 phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa vào trong giai đoạn 2021 – 2025 để đảm bảo kết nối đồng bộ với dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nêu kiến nghị phối hợp, hỗ trợ từ phía tỉnh Lào Cai. |
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai nhất trí cao với đề xuất, kiến nghị của Đoàn công tác tỉnh Lai Châu. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Lai Châu cần điều chỉnh khung tiến độ theo hướng rút ngắn thời điểm hoàn thành khoảng 3 tháng để gắn dự án vào danh mục các công trình chào mừng đại hội đảng bộ của hai tỉnh trong nhiệm kỳ tới.
Để đảm bảo tiến độ chuẩn bị đầu tư, Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cơ quan cùng cấp tỉnh Lai Châu lập đầu mối phối hợp thực hiện dự án, trong đó giao một đồng chí Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm chính trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp triển khai dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đề nghị tỉnh Lai Châu khi trình các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về thủ tục đầu tư dự án cần giải trình rõ, đặt trên cơ sở kết nối vùng, kết nối về giao thông, sản xuất nông – lâm nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, kết nối du lịch, dịch vụ; cần nhấn mạnh Hoàng Liên là đèo cao nhất, dài nhất cả nước, là đỉnh đèo có khí hậu khắc nghiệt nhất, thuộc khu vực khó khăn nhất cả nước. Cơ quan chuyên môn hai bên cần tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong việc giải quyết các khó khăn về giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đến thủ tục trình cơ quan, bộ, ngành, Trung ương như việc điều chỉnh diện tích đất rừng đặc dụng thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.
Thông tin Dự án: Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên có tổng chiều dài khoảng 8,8 km, trong đó chiều dài hầm xuyên núi dài 2,5 km, đường dẫn và cầu cạn dài 6,3 km; Dự án thuộc địa giới tỉnh Lào Cai 2,6 km, phần còn lại thuộc tỉnh Lai Châu. Dự án được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ rút ngắn khoảng cách lưu thông giữa Lào Cai và tỉnh Lai Châu trên Quốc lộ 4D khoảng 10 km và hạn chế nhiều rủi ro, tai nạn đối với các phương tiện giao thông khi phải đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên như hiện nay. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 3.300 tỷ đồng, trong đó 2.500 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách tỉnh Lai Châu 800 tỷ đồng. |