Quang cảnh hội nghị.
Dự hội nghị về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và hai huyện giáp ranh tỉnh Yên Bái là Bảo Yên và Văn Bàn.
Tham gia Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Yên Bái.
Đánh giá chương trình trong 10 năm qua, lãnh đạo 2 tỉnh đã thống nhất nhận định hai bên đã có sự tăng cường hợp tác chặt chẽ, trên cơ sở hữu nghị và đối tác có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế
Nổi bật trong lĩnh vực kinh tế là hợp tác sản xuất nông nghiệp – phát triển nông thôn, 2 tỉnh duy trì mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ các tổ hợp giống lúa lai do tỉnh Lào Cai chọn tạo trên diện tích 20 – 30 ha tại huyện Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Ngoài ra còn có nội dung hợp tác trồng cây lâm sản ngoài gỗ, trao đổi kinh nghiệm phát triển thủy sản, thực hiện các dự án khuyến nông, sản xuất và chế biến, tiêu thụ dược liệu, hợp tác trong phòng trừ dịch bệnh, hợp tác bảo vệ rừng giữa các huyện, xã giáp ranh. Trong xây dựng nông thôn mới, hai bên duy trì trao đổi kinh nghiệm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, làm đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, trường học, huy động nguồn lực.
Với vị trí tỉnh biên giới, những năm qua Lào Cai đã hỗ trợ tỉnh Yên Bái hết sức tích cực trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, trao đổi thông tin thị trường và kết nối với doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Cùng khai thác tiềm năng du lịch
Năm 2005, lần đầu tiên 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai ra mắt mô hình liên kết “Chương trình du lịch về cội nguồn”, đã làm mới hình ảnh, thay đổi cơ bản diện mạo ngành du lịch khu vực Tây Bắc với nhiều hoạt động, sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn. Trong đó, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã có sự hợp tác chặt chẽ trong khai thác các thế mạnh du lịch ruộng bậc thang, các bản làng văn hóa của tỉnh Yên Bái và vẻ đẹp của Khu du lịch Sa Pa, di tích đền Bảo Hà, những phiên chợ vùng cao của tỉnh Lào Cai. Cụ thể, các tỉnh đã triển khai thành công các chương trình du lịch về nguồn, hợp tác khai thác tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, du lịch khám phá danh thắng ruộng bậc thang, tham gia các chương trình, sự kiện lớn, tua – tuyến du lịch “Sắc màu Tây Bắc”.
Cùng với hợp tác du lịch, hai tỉnh còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, hợp tác về khoa học – công nghệ, hợp tác về quốc phòng – an ninh.
Hợp tác cấp địa phương
Trong thời gian qua, các huyện Bảo Yên, Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái) đã hợp tác và phối hợp tốt trong giải quyết các vấn đề tranh chấp tại các vùng giáp ranh. Ngoài ra còn hợp tác, giao lưu về văn hóa, giáo dục, đẩy mạnh phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng, hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ma túy, hạn chế di dịch cư tự do. Trên cơ sở đó đã hình thành các cặp hợp tác có tính chuyên đề, chuyên sâu như giữa huyện Văn Bàn (Lào Cai) với huyện Văn Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái), giữa huyện Bảo Yên (Lào Cai) với huyện Lục Yên (Yên Bái).
Ngoài ra còn có sự hợp tác giữa thành phố Lào Cai và thành phố Yên Bái với phương châm: “Hợp tác toàn diện, bình đẳng, sâu rộng, thân thiện và hiệu quả”. Trong những năm qua, hai thành phố đã chủ động đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch đô thị, xúc tiến đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế, phát triển thương mại, sản xuất công nghiệp, thu hút du lịch. Ngoài ra còn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực quản lý giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên…
Lào Cai – Yên Bái chung “mái nhà Hoàng Liên Sơn”
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu khái quát tình hình, kinh nghiệm quản lý, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng chí cũng khẳng định: Cùng với các yếu tố tự nhiên và lịch sử, Lào Cai và Yên Bái là hai tỉnh mãi chung một “mái nhà Hoàng Liên Sơn”, cùng với đó là chung truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên từ gian khó, trở ngại, thách thức, đó mãi là nền tảng quan trọng để hai địa phương tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hợp tác trong những năm tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu tại hội nghị
Về định hướng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đề nghị: Hai tỉnh cần đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng. Về kinh tế, cần đẩy mạnh hợp tác trong chế biến, tiêu thụ nông sản, hợp tác phát triển du lịch. Về công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước, hai bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm trong công tác tạo nguồn, sử dụng đội ngũ cán bộ, sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị.
Sau khi thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng: Từ thành công của Lào Cai, tỉnh Yên Bái có thêm nhiều kinh nghiệm trong khai thác thế mạnh sẵn có như thương mại, dịch vụ du lịch, phát triển công nghiệp và đặc biệt là hình thành các mục tiêu phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong tặng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái sản phẩm công nghiệp của tỉnh Lào Cai. |
Về hợp tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, hai bên cần chia sẻ chiến lược khai thác lợi thế riêng của địa phương như lợi thế kinh tế cửa khẩu của Lào Cai và thế mạnh về du lịch, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của Yên Bái. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái nhất trí cao quan điểm hợp tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai là coi trọng việc khai thác hạ tầng giao thông, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư.