Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam) |
Phát huy hiệu quả tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”
Năm 2022, toàn ngành tư pháp đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành tư pháp, đồng thời bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương hoặc các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được bộ, ngành tư pháp thực hiện chủ động, ban hành sớm để tổ chức thực hiện với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”. Cùng với nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và nặng nề hơn, toàn ngành cũng đã tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả.
Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách cũng như tham mưu cho Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản thuộc trách nhiệm của ngành, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tiếp tục đạt nhiều kết quả với tinh thần khẩn trương, cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước.
Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều dấu ấn nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ trong tất cả chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng…
Các đại biểu tại hội nghị đã nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày chuyên đề về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và giải pháp thực hiện.
Xây dựng thể chế, tạo nguồn lực phát triển
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu: Năm 2022 là năm có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, tuy nhiên Lào Cai đã vượt khó đi lên với việc hoàn thành 23/25 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có những chỉ tiêu đạt ở mức cao, thuộc tốp đầu của cả nước. Để có kết quả này, công tác xây dựng thể chế có vai trò quan trọng, tạo nguồn lực lớn.
“Lào Cai luôn xác định 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội gồm xây dựng thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, trong đó, thể chế chính là nguồn lực và là con đường ngắn nhất để địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn cũng như phát huy hiệu quả các nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, ngành tư pháp Lào Cai đã tập trung vào việc hoàn thiện thể chế. Riêng trong năm 2022, địa phương đã tổ chức 7 kỳ họp HĐND tỉnh, ban hành 60 nghị quyết, 62 cơ chế, chính sách, trong đó tập trung vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với công tác theo dõi, thi hành án hành chính, trung bình mỗi năm Lào Cai có 70 – 90 vụ án hành chính, là địa phương có số lượng vụ án hành chính cao của cả nước. Năm 2022 có 91 vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh. Việc theo dõi, thi hành án hành chính của Lào Cai được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả. Qua đó, tiếp tục khẳng định niềm tin của người dân cũng như góp phần giải quyết những vấn đề kéo dài trên địa bàn.
Bên cạnh đồng tình, nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp đề ra trong năm 2023, tỉnh Lào Cai đề xuất 2 ý kiến về việc tiếp tục quan tâm xây dựng, đồng bộ hóa thể chế để tạo nguồn lực phát triển; quan tâm tích hợp các phần mềm hiện đang sử dụng trong quản lý lĩnh vực hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ, nhanh gọn, thuận tiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận những kết quả mà Bộ Tư pháp, ngành tư pháp đạt được trong năm 2022. Cùng với việc chỉ ra một số hạn chế trong công tác tư pháp, nguyên nhân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức, thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa năng lực hoạch định chính sách trong tổ chức, thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.
Cùng với đó, chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức của bộ, ngành tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực…