Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Lào Cai các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Về phía Đoàn công tác của Tỉnh ủy Hậu Giang có các đồng chí: Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Hậu Giang.
Giới thiệu với Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã khát quát những đổi thay của địa phương sau 30 tái lập. Đó là: Từ vị trí nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã bứt phá trở thành tỉnh phát triển sôi động nhất khu vực Tây Bắc, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các tất cả các lĩnh vực.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy thông tin tình hình của Lào Cai và trao đổi một số kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội, du lịch với tỉnh bạn. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao, trong 10 năm gần đây đạt mức trung bình 10,4%/năm; đến năm 2021, GRDP bình quân của người dân đạt 82,38 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi về một số kinh nghiệm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội. |
Kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội của Lào Cai trong những năm qua đã được đúc kết bằng nhiều bài học trên các lĩnh vực. Điển hình như về chính sách, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án trọng tâm, nghị quyết chuyên đề. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 18 đề án trọng tâm giai đoạn 2020 – 2025 với 225 mục tiêu. Tiếp đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề vừa có tính chiến lược vừa có tính đột phá.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về một số nội dung phân cấp trong quản lý, điều hành. |
Bài học về chính sách của Lào Cai còn được thể hiện trong các nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và chính sách đặc thù của địa phương.
Kinh nghiệm nổi bật của Lào Cai còn thể hiện trong phát triển kinh tế du lịch, cửa khẩu. Với du lịch là thực hiện chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, giới thiệu và quảng bá; chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; chia sẻ lợi ích từ tài nguyên du lịch. Lào Cai cũng đang thực hiện chủ trương xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, mang tính khác biệt để giữ chân, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Về kinh tế cửa khẩu, Lào Cai đã xác định rõ thế mạnh để tập trung khai thác, trong giai đoạn hiện nay tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu là điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Lào Cai cũng đã và đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại trên nhiều lĩnh vực, trong đó coi trọng mối quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về nguồn lực, Lào Cai đề cao yếu tố nguồn nhân lực, trong đó có chính sách đào tạo, thu hút, đã xây dựng được các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Ngoài ra, Lào Cai cũng quan tâm các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính; đổi mới, phân cấp trong quản lý, điều hành bộ máy Nhà nước.
Về phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, Lào Cai sẽ bám sát hai định hướng lớn đã được Trung ương xây dựng, đó là Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 20/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204; Quy hoạch tỉnh đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia thông qua.
Các định hướng này là cơ sở, điều kiện để Lào Cai ban hành, thực hiện chủ trương cụ thể xây dựng Lào Cai là cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng và triển khai các trục động lực, cực phát triển, các vùng, trụ cột kinh tế và nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang: “Tới Lào Cai, chúng tôi thấy được kinh nghiệm từ phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với các mô hình và giải pháp khai thác từ tiềm năng du lịch văn hóa. Tỉnh Hậu Giang có thế mạnh là đờn ca tài tử nhưng đến nay địa phương chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ loại hình văn hóa để phục vụ phát triển du lịch”. |
Đồng chí Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: “Chúng tôi có 18 năm xây dựng và phát triển nhưng hiện quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thậm chí là khoảng 10 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu giảm dần, đó chính là nút thắt cần tháo gỡ. Qua trao đổi với tỉnh Lào Cai, chúng tôi nhận thấy có nhiều cách làm hay, sáng tạo, có thể áp dụng tại Hậu Giang, trong đó có kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển, xác định trụ cột, lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm, đột phá. |
Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang: “Hậu Giang cần tiếp nối Lào Cai việc hình thành khát vọng đổi mới, sự sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chinh trị. Ví dụ như việc cụ thể hóa những chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy thành các chính sách phát triển cụ thể ở từng ngành, lĩnh vực”. |
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng nhiều nơi biết đến Lào Cai bởi truyền thống đổi mới, sáng tạo, trong đó khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài- Lào Cai phát triển” nay đã lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành phố, với tỉnh Hậu Giang nay cũng mới xây dựng thành khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến – Hậu Giang vui”. |
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã thông tin một số tình hình phát triển của Hậu Giang thời gian qua, nổi bật là tỉnh Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thư 2 trong khu vực, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.000 tỷ đồng trong năm qua; Hậu Giang là tỉnh có tỷ lệ ca nhiễm và bệnh nhân tử vong bởi Covid-19 thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai tặng quà lưu niệm là sản phẩm đồng mỹ nghệ cho lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. |
Qua nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhận thấy tỉnh Lào Cai có nhiều điểm nổi bật, cách làm hay đáng học tập, nhân rộng. Ví dụ như phương châm đổi mới là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của tỉnh. Đó còn là tinh thần nỗ lực, vượt khó, phát triển từ điểm xuất phát thấp; tinh thần bao quát, “điểm sáng”, “đầu tàu”, trong đó có việc tự tin xác định Lào Cai phát triển sẽ thúc đẩy, tác động đến sự phát triển chung của khu vực.