Bắt đầu từ năm 2014, Ngày Sách Việt Nam (21/4) đã trở thành Ngày hội thường niên, được tổ chức rộng rãi ở các cấp thư viện, các trường học và các địa phương trong toàn tỉnh.
Thư viện xanh – trường Phổ thông dân tộc nội trú xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Những năm qua, sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều hoạt động Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam như: Tổ chức ngày hội sách; triển lãm, trưng bày giới thiệu sách; trao tặng sách cho các em học sinh vùng cao. Với mong muốn mang đến cho các em học sinh vùng cao một không gian đọc sạch đẹp và thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên, Sở cũng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng công trình Thư viện xanh cho các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, phục vụ nhu cầu học tập, khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học sinh.
Trao tủ sách cho Trường Tiểu học số 3 xã Thái Niên
Trong năm nay, Sở cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ Vùng cao yêu thương trao tặng 02 tủ sách cho trường Tiểu học số 3 và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thái Niên. Mỗi tủ sách gồm 500 đầu sách, truyện các loại. Đây là món quà thật sự ý nghĩa- đặc biệt với học sinh dân tộc bán trú- vì ngoài giờ lên lớp, thời gian tự học, các em có thể đọc sách, tăng cường vốn ngôn ngữ tiếng Việt, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự học, tự đọc, làm việc nhóm.
Trao tủ sách cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Thái Niên
Câu lạc bộ Vùng cao yêu thương được thành lập từ tháng 8/2018 với mong muốn đem tri thức, lan tỏa văn hóa đọc tới các em học sinh vùng cao. Sau 1 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã trao tặng 18 tủ sách cho các trường Tiểu học và Phổ thông dân tộc bán trú THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều ngôi trường ở các huyện vùng cao khó khăn như Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng đã được Câu lạc bộ trao tặng các tủ sách, đem yêu thương và lan tỏa văn hóa đọc tới trẻ em nghèo. Đồng thời tổ chức các buổi giao lưu với các em học sinh, nói chuyện về sách, hướng dẫn cách đọc sách, hướng dẫn bảo quản sách, tìm hiểu nhu cầu về sách của các em. Bên cạnh đó, mô hình luân chuyển sách giữa các điểm trường cũng được Câu lạc bộ triển khai nhằm giúp các em học sinh luôn được tiếp cận với các đầu sách mới, giúp các em có thể hứng thú, có niềm vui bên các trang sách.
Các em học sinh đọc sách tại khuôn viên trường
Nhu cầu đọc và văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển. Để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trẻ em không ngại đọc, ngại khai thác thông tin, kiến thức một cách có chiều sâu, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa văn hóa đọc đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hào hứng đón đọc những cuốn sách mới