Giám đốc Phan Trung Bá kiểm tra công tác nghiệp vụ của cán bộ, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư. |
Phóng viên: Trước hết, xin ông đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022?
Ông Phan Trung Bá: Đối với tỉnh Lào Cai, 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng thời là năm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2020 – 2025, cũng là năm diễn ra kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh (12/7/1907 – 12/7/2022), kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (5/3/1947 – 5/3/2022). Vì vậy, việc triển khai, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo và cả giai đoạn 2020 – 2025.
Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2022, UBND tỉnh đưa ra mục tiêu phát triển chung là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các giải pháp tổng thể để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn”.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp về nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đồng thời, giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp để triển khai nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các lĩnh vực kế hoạch năm 2022.
Dấu ấn đô thị Lào Cai. |
Phóng viên: So với những năm trước, công tác giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 có những đổi mới và đột phá như thế nào thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, so với những năm trước, công tác giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của Lào Cai sẽ có nhiều đổi mới và đột phá. Đó là, phân cấp mạnh cho các địa phương, nhất là phân cấp trong kế hoạch thu – chi ngân sách nhà nước, đầu tư công. Trong đó, các chỉ tiêu, kế hoạch đưa ra nhằm khích lệ, tạo động lực cho các địa phương nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch, xóa bỏ tình trạng “cấp phát”, “xin cho”.
Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 là rất nặng nề. Do đó, UBND tỉnh chủ động và sớm giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương sớm xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện.
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở dự báo, gắn với các kịch bản tăng trưởng, các phương án đối phó, thích ứng với diễn biến của đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các đơn vị linh hoạt, điều chỉnh các giải pháp để đạt được mục tiêu chung.
Trong xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát chuẩn hóa số liệu và không giao các chỉ tiêu không còn phù hợp với thực tế.
Song song với việc giao kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh sẽ ban hành ngay chỉ thị về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 gồm 47 nhiệm vụ, 11 nhóm giải pháp với chủ đề hành động “Đoàn kết – kỷ cương – thích ứng linh hoạt – phát triển toàn diện”.
Phóng viên: Vậy, những giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là gì, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Để hoành thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao nhất, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành tới từng cấp, từng ngành. Đó là, thực hiện linh hoạt, an toàn, hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung phục hồi kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Một trong những giải pháp căn cơ là, cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải thay đổi tư duy trong chỉ đạo, điều hành cũng như trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch năm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phan Trung Bá: Trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, bởi chủ trương, kế hoạch đưa ra đều đúng, trúng, nhưng khâu thực hiện mới là quan trọng, trong đó vai trò của người đứng đầu mang yếu tố quyết định. Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị cần bao quát tổng thể công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong phân công công tác cần theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành. Cần kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong chủ đề hành động của năm 2022, UBND tỉnh đưa ra một nội dung mới, đó là “kỷ cương”. Điều đó cho thấy, quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ. Đặc biệt là thay đổi căn bản tư duy quản lý và vận hành của bộ máy nhà nước, từ ban phát, xin cho sang phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Nam (thực hiện)