Đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì làm việc.
Dự làm việc còn có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số sở, ngành có liên quan.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trong năm 2019 và kết quả thực hiện Đề án số 01 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, trong tổng số 10 chỉ tiêu của đề án đến năm 2020, hết năm 2019 đã có 5 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt trên 93%, 1 chỉ tiêu đạt 86,6%. Về kết quả triển khai Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND, sau 1 năm triển khai thực hiện, đến nay có 5/14 nội dung chính sách được thực hiện gồm: Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt chứng nhận; hỗ trợ phát triển vùng chè nguyên liệu chất lượng cao; hỗ trợ phòng, chống dịch; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm 2019, kinh phí hỗ trợ đạt 136,6 tỷ đồng. Về giải pháp sản xuất và cung ứng thực phẩm trong đợt dịch nCoV, nhu cầu sử dụng rau xanh trên địa bàn tỉnh khoảng 7 nghìn tấn/tháng, diện tích sản xuất chuyên canh khoảng 600 ha, do vậy các huyện tăng cường chỉ đạo mở rộng diện tích rau xanh tập trung tại các vùng chuyên canh rau, ruộng 1 vụ vùng cao. Khuyến khích nhân dân tận dụng các diện tích đất gần nhà để sản xuất phục vụ nhu cầu sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên sử dụng các giống rau ngắn ngày, rau bản địa. Tiếp tục phát triển đẩy mạnh chăn nuôi đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Chủ động mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô phù hợp theo điều kiện của từng địa phương, trình độ canh tác, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học. Phát triển rừng, bảo vệ rừng bền vững, nâng cao giá trị tài nguyên rừng. Đẩy mạnh công tác khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, trong đó xác định doanh nghiệp/hợp tác xã là hạt nhân, nông dân là chủ thể thực hiện. Tập trung xây dựng nông thôn mới vùng cao, phấn đấu 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai)…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần tập trung phòng, chống dịch bệnh, quan tâm phát triển sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Phát huy hiệu quả, hỗ trợ phát triển hợp tác xã; xây dựng các sản phẩm OCOP, chương trình xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả. Nỗ lực giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí hiện nay; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên hỗ trợ các dự án khả thi; quan tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để phát huy thế mạnh địa phương.