Sâm Ngọc Linh là một loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao (thuộc Phụ lục I, nhóm IA Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ),tuy nhiên, loài này chưa được quan tâm và trồng với quy mô lớn tại Lào Cai do việc tiếp cận nguồn giống chuẩn rất khó khăn và chưa có những khảo nghiệm đánh giá mức độ phù hợp của Sâm Ngọc Linh trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi cao Sa Pa.
Do vậy, năm 2019, Vườn quốc gia Hoàng Liên đề xuất và thực hiện xây dựng mô hình “Trồng thí điểm Sâm Ngọc Linh”.
Thời gian thực hiện mô hình trong 4 năm (từ 2019-2022), tập trung vào 2 nội dung chính là trồng thử nghiệm và nhân giống cây Sâm Ngọc Linh trong điều kiện nhà lưới tại thị xã Sa Pa nhằm đánh giá chính xác về mức độ phù hợp của Sâm Ngọc Linh với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao Sa Pa.
Ông Nguyễn Sang, cán bộ Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết: Quá trình thực hiện, mô hình đã tuyển chọn được 240 cây giống gốc Sâm Ngọc Linh và các cây giống gốc đã ra hoa, cho thu hoạch hạt giống. Năm 2021, mô hình đã nhân giống được 2.000 cây Sâm Ngọc Linh bằng hạt.
Vùng núi cao Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là nơi có khí hậu trong lành mát mẻ, thuận lợi, nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m – 1.800m với những ưu đãi từ các điều kiện mà thiên nhiên ban tặng cùng với điều kiện cơ sở vật chất phòng nuôi cấy mô tế bào hiện có.
Do đó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Hoàng Liên sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân giống, thực hiện các bước đưa cây từ phòng nuôi cấy mô ra ngoài tự nhiên trồng và đánh giá chất lượng cây so với cây nhân giống tự nhiên, để tìm ra quy trình nhân giống Sâm Ngọc Linh đạt kết quả cao, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, phù hợp với chủ trương phát triển các loại cây dược liệu của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Qua 3 năm thực hiện thí điểm trồng giống sâm quý Ngọc Linh tại vùng cao Sa Pa Vườn quốc gia Hoàng Liên bước đầu khẳng định thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của loài Sâm Ngọc Linh.
Đây là tiền đề để Vườn quốc gia Hoàng Liên hoàn thiện quy trình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, phát triển mô hình trồng Sâm Ngọc Linh đến nhân dân địa phương nhằm thay thế các loài cây nông nghiệp kém hiệu quả.
Đặc biệt tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm dần và đi tới xóa bỏ trồng cây Thảo quả mà người dân đang trồng dưới tán rừng già tự nhiên ở Sa Pa, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Phạm Ngọc Triển