Mô hình “Di sản văn hóa dân tộc Dao ở Lào Cai” của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS A Mú Sung.
Ngôi trường với giải thưởng đặc biệt
Khi năm 2020 sắp kết thúc, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đón một tin vui, đó là nhóm học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020 đoạt giải Đặc biệt. Đây cũng là giải Đặc biệt duy nhất từ trước đến nay học trò Lào Cai đoạt được trong cuộc thi này. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, tác giả của dự án đoạt giải là hai học sinh người Dao đang học tập ở ngôi trường xa xôi vùng biên ải A Mú Sung – “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Ngày cuối năm, gió từ sông Hồng thổi lên vi vút những rặng lau trắng bạc phơ, rung rinh những khóm hoa dã quỳ vàng rực trên đường tới Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung (Bát Xát). Trong sân trường, các em học sinh rất thích thú khi được ngắm mô hình đoạt giải với ngôi nhà gỗ nhỏ xíu có thể tự động mở cửa và lật mái lên, bên trong là cảnh đồng bào Dao đỏ đang thực hiện nghi lễ cúng. Phía ngoài ngôi nhà là cảnh lễ cấp sắc, đám cưới, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới… của người Dao đỏ. Các hoạt động này được tái hiện sinh động với nhân vật là những búp bê nhỏ có thể hoạt động được theo vòng xoay tròn khi bật công tắc điện.
Tẩn Sì Mẩy, cô học trò người Dao học lớp 9B khoe với chúng tôi: Ở xã A Mú Sung có đến gần 70% là người Dao sinh sống, còn ở Lào Cai cũng có 30% là người dân tộc Dao, với bản sắc rất phong phú và đặc sắc. Vì vậy, chúng em đã sáng tạo ra mô hình “Di sản văn hóa dân tộc Dao ở Lào Cai” để mọi người có thể hiểu rõ hơn nét văn hóa đẹp của người Dao. Để hoàn thành mô hình gặp không ít khó khăn, nhưng được thầy giáo Vùi A Hùng hướng dẫn tận tình nên chúng em đã hoàn thành sản phẩm sau 2 tháng.
Còn em Tẩn A Sì, lớp 8A, đồng tác giả của mô hình nói, em rất hạnh phúc khi sản phẩm được giải thưởng cao. Đó là động lực để em cố gắng hơn nữa trong học tập.
Thầy giáo Phùng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS A Mú Sung cho biết: Thầy và trò nhà trường đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến mô hình này để tham gia vòng thi quốc tế tổ chức tại Thái Lan. Trong năm học trước, mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương” của học sinh cũng đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia. Nhà trường rất vui và tự hào vì thầy cô giáo và học sinh tích cực phát huy khả năng sáng tạo. Thông qua các sản phẩm này, học sinh không chỉ biết vận dụng kiến thức vào thực tế, mà còn được nâng cao ý thức trân trọng, bảo tồn bản sắc, niềm tự hào dân tộc và tình yêu mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Mang bếp lửa ấm đến vùng cao
Thầy giáo Vũ Xuân Quế với mô hình bếp đun nước nóng công suất lớn cho học sinh bán trú.
Trường THPT số 3 Mường Khương nằm ở xã Cao Sơn, giáp xã La Pan Tẩn và xã Tả Thàng, là 3 xã xa xôi nhất của huyện. Năm học 2020 – 2021, Trường THPT số 3 Mường Khương có 299 học sinh, trong đó có 230 học sinh bán trú. Theo thầy giáo Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, vào mùa đông giá lạnh, việc đun nước tắm bằng bếp củi rất khó khăn vì không đủ củi, trong khi đó, việc đun nước bằng bếp ga, bếp điện là không thể vì quá tốn kém. Vậy nhưng mùa đông năm nay, nỗi lo đó không còn nữa. Hàng trăm học sinh đã có nước nóng để tắm nhờ hệ thống bếp lò đun trấu do thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Bát Xát sáng tạo và trực tiếp xây dựng giúp trường. Nhờ hệ thống này, học sinh không phải vào rừng lấy củi vất vả như trước, không phải lo về nhà tắm, nên tỷ lệ chuyên cần được đảm bảo ngay cả trong những ngày rét nhất.
Bên chiếc bếp lò mới xây, vặn vòi nước chảy ra nóng bỏng tay, thầy giáo Vũ Xuân Quế cho biết: Hệ thống gồm 3 bếp lò đun trấu đã được cải tiến lõi bếp và khay trấu. Điểm mới của sản phẩm là hệ thống sử dụng công nghệ ủ giữ nhiệt giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp, không phải bố trí người trông coi trực tiếp quá trình đun nước, đặc biệt đun nước nóng dùng 24/24 giờ. Mỗi ngày, học sinh chỉ sử dụng 12 – 14 bao trấu (khoảng 40.000 đồng) nhưng đun được khoảng 4.000 lít nước nóng, đạt nhiệt độ 65 độ C, đủ cho 300 học sinh tắm và sinh hoạt, tiết kiệm được 3 – 5 triệu đồng tiền điện/tháng. Kinh phí làm hệ thống bếp này chỉ khoảng 20 triệu đồng, sau một năm chỉ cần thay lõi bếp mất 1,5 triệu đồng, nên đây là giải pháp tiết kiệm và khả thi với trường học vùng cao.
Từ đầu mùa đông năm nay, ngoài công việc quản lý rất bận rộn ở trường, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, thầy giáo Vũ Xuân Quế lại mài chế tạo bếp và cùng các thầy cô giáo, học trò đến tư vấn, xây lắp cho các trường học vùng cao của tỉnh. Nhờ hệ thống bếp này, các trường tiểu học, THCS ở các xã Dền Sáng, Dền Thàng, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, A Mú Sung, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát, Trường THPT số 3 Mường Khương với hàng nghìn học sinh đã có nước nóng để tắm và sinh hoạt trong mùa đông giá lạnh. Trong thời gian tới, thầy Quế tiếp tục lắp hệ thống bếp cho các trường ở xã: Bản Xèo, Nậm Pung (huyện Bát Xát), một số trường học ở Sa Pa và tỉnh Lạng Sơn.
Trường học sáng tạo vì cộng đồng
Trong nhiều trường học có những ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng ở thành phố Lào Cai, Trường THPT số 1 Lào Cai được nhiều người biết đến. Những ngày cuối năm, cùng với việc duy trì hoạt động dạy và học, thầy và trò nhà trường còn tích cực triển khai dự án mới là “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch HPCU-K59“ với mục đích cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường, ung thư, gút, người ăn kiêng, người già, trẻ nhỏ, người ăn chay.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền, người hướng dẫn dự án cho biết: Ngoài mục tiêu lợi nhuận, dự án còn hướng đến giá trị nhân văn như tư vấn chăm sóc sức khỏe cho khách hàng, đồng hành với học sinh nghèo, giải quyết đầu ra trong sản xuất cho một số hộ phụ huynh trong nhà trường, hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng… Đây cũng là dự án khởi nghiệp thứ 3 của nhà trường hướng đến học sinh với mong muốn cho học sinh được trải nghiệm, tiếp cận với khởi nghiệp, với nghề.
Trước thềm năm mới 2021 nhìn lại, thầy và trò Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đã gặt hái được không ít thành công từ các ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng. Năm học 2019 – 2020, trong thời gian hoạt động dạy và học của trường phải tạm dừng vì đại dịch Covid-19, thầy và trò nhà trường đã chung tay pha chế nước rửa tay diệt khuẩn tặng các trường vùng cao; chế tạo máy ATM gạo miễn phí cho người nghèo. Còn mới đây, tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2020, 2 nhóm học sinh của trường đã đoạt giải Nhất và giải Tư cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh”.
Trong năm học trước, học sinh Vũ Hoàng Long đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học – kỹ thuật quốc tế 2019 với dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh”. Các học sinh Thái Bá Minh, Nguyễn Phó Huyền Trang đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học với dự án “Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT trong việc bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia tỉnh Lào Cai”. Những ý tưởng sáng tạo cứ nối tiếp nhau ra đời, làm cho phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trong trường trở thành sân chơi sôi nổi.
Một mùa xuân mới rộn ràng đã đến trên vùng biên giới Lào Cai. Ngày đầu xuân 2021, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Tiến sỹ Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về câu chuyện “trồng người”, về những sáng tạo của thầy và trò các trường học trên địa bàn tỉnh. Nhà giáo Dương Bích Nguyệt chia sẻ: Những năm gần đây, giáo dục Lào Cai ngày càng khẳng định được vị thế trong khu vực và cả nước, đặc biệt trong các cuộc thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật. Ngoài câu chuyện về 3 trường học đã kể, Lào Cai còn nhiều trường học khác cũng đang tỏa sáng với những sáng tạo của thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi tự hào và mong trong thời gian tới, thầy và trò các trường tiếp nỗ lực vượt qua khó khăn, đào tạo các thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, cống hiến vì cộng đồng, giàu ý chí và lý tưởng xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.