Cầu Cốc Lếu nối đôi bờ sông Hồng. |
31 năm trước, kiến trúc sư Phan Doãn Thanh là một trong những cán bộ đầu tiên của Sở Xây dựng Lào Cai có mặt ở mảnh đất biên cương, đi thực địa để lập quy hoạch xây dựng thị xã Lào Cai, thị xã tỉnh lỵ. “Ngày đầu lên xây dựng lại tỉnh mới, thị xã Lào Cai khi ấy hoang tàn, đổ nát, đường đi chỉ là những lối mòn. Đoàn công tác của Sở Xây dựng đi thực địa để lập quy hoạch phải nhờ các đồng chí bộ đội biên phòng dẫn lối, nếu không, chỉ sơ sẩy một chút là vướng phải mìn do chiến tranh để lại” – kiến trúc sư Phan Doãn Thanh nhớ lại.
Xuất phát điểm khó khăn là vậy, nhưng chỉ sau 10 năm, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và thị xã Lào Cai nói riêng, tháng 10/2001, hạ tầng cơ sở của thị xã Lào Cai đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ với khoảng 600 ha đất nội thị, gồm 5 phường đã cơ bản được lấp đầy, thu hút đông doanh nghiệp, người dân từ mọi miền Tổ quốc tụ hội sinh sống và sản xuất, kinh doanh.
Theo thời gian, với những thời cơ, vận hội mới và những điều kiện phát triển, thị xã Lào Cai đứng trước yêu cầu phát triển lên thành phố. “Quá trình từ thị xã Lào Cai trở thành thành phố Lào Cai được tiến hành theo lộ trình đã được xây dựng, với phương châm thận trọng, chắc chắn”- kiến trúc sư Phan Doãn Thanh nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm: Công việc đầu tiên là lập định hướng quy hoạch xây dựng cụm đô thị Lào Cai – Cam Đường. Công việc này được làm rất khẩn trương, nhưng phải đảm bảo tính khoa học và chuẩn bị chu đáo từng khâu, từng bước. Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng và một số ngành Trung ương, ngày 4/8/2001, tỉnh Lào Cai quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng cụm đô thị Lào Cai – Cam Đường đến năm 2020 với quy mô 2.340 ha. Tiếp đến là lập dự án sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường. Ngày 31/1/2002, thị xã Lào Cai chính thức được thành lập. Để thị xã Lào Cai xứng tầm là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh, hàng chục dự án được phê duyệt thúc đẩy thị xã phát triển, nhanh chóng hội đủ các tiêu chí của đô thị loại III. Ngày 30/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 195 thành lập thành phố Lào Cai trực thuộc tỉnh Lào Cai.
Từ thị xã trở thành thành phố là tâm nguyện của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, bởi thành phố đã tạo thêm được nhiều nguồn lực mới về đất đai, nguồn nhân lực, thị trường, giải quyết việc làm, ổn định đời sống Nhân dân. Thành phố Lào Cai ra đời góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Từ đô thị loại III năm 2004, chỉ 10 năm sau, thành phố Lào Cai được Chính phủ công nhận đô thị loại II (năm 2014), khẳng định chất lượng đô thị được nâng lên, đời sống của Nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Những địa danh Duyên Hải, phố Tèo, đồi C17, khu Trần Hợp… năm xưa từng là trận địa ác liệt, nay là những khu phố sầm uất, nhộn nhịp giao thương, trở thành “đất vàng” ở thành phố Lào Cai thời hội nhập.
Trận địa phòng ngự Duyên Hải năm nào, giờ là đường phố Thanh Niên, Thủy Hoa, với rất nhiều khách sạn 3 sao, 4 sao, nhà hàng, khu vui chơi giải trí hiện đại, nhìn qua sông Hồng là thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc. Địa danh phố Tèo năm xưa, giờ hiện diện một cửa khẩu quốc tế khang trang nơi người dân 2 nước qua lại thăm thân, tham quan du lịch; cách đó không xa là Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa giao thương giữa 2 bên biên giới. Những loại trái cây Việt Nam nổi tiếng như vải thiều, thanh long, chôm chôm… xuất sang Trung Quốc và ngược lại là các mặt hàng than cốc, quần áo, giày dép… của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, đáp ứng tiêu chí hợp tác hữu nghị, 2 bên cùng có lợi.
Với môi trường thuận lợi, thành phố Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.970 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch tỉnh giao, bằng 62% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng thành phố Lào Cai ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng biên cương, những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 03 của Thành ủy Lào Cai về xây dựng thành phố “Sáng – xanh – sạch – đẹp”, thành phố tiếp tục siết chặt quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lòng đường, hè phố, giải tỏa hành lang, vỉa hè, trật tự xây dựng; hoàn thiện hồ sơ và quyết định phê duyệt 16 đồ án quy hoạch; phê duyệt nhiệm vụ cắm mốc giới 5 đồ án…
Khó có thể đong đếm chính xác sự đổi thay phát triển cả về lượng và chất, nhưng những ai gắn bó với mảnh đất biên cương này đều nhìn thấy, nhận thức rõ, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, hơn 30 năm sau khi tái lập, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía Bắc.