Lan tỏa văn hóa đọc đến trẻ em vùng cao
Được thành lập từ 8/2018, đến nay, Câu lạc bộ Vùng cao yêu thương đã kết nối, huy động sách, truyện thiếu nhi, đã trao tặng 46 tủ sách với hàng chục nghìn đầu sách, truyện cho các trường Tiểu học và Phổ thông dân tộc bán trú THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều ngôi trường ở các huyện vùng cao khó khăn như Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương đã được Câu lạc bộ trao tặng các tủ sách, đem yêu thương và lan tỏa văn hóa đọc tới trẻ em nghèo. Câu lạc bộ cũng đặt ra tiêu chí khi tặng sách là những trường khó khăn, nhiều em học sinh là người dân tộc thiểu số. Sách truyện quyên góp trao tặng tập trung vào mảng văn học, các cuốn truyện cổ tích của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, mô hình luân chuyển sách giữa các điểm trường, bổ sung các đầu sách mới cho các tủ sách đã trao tặng cũng được Câu lạc bộ triển khai nhằm giúp các em học sinh luôn được tiếp cận với các đầu sách mới, giúp các em có thể hứng thú, có niềm vui bên các trang sách. Đặc biệt trong 2 năm qua, dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng Câu lạc bộ vẫn duy trì việc quyên góp và tặng được hơn 10 tủ sách cho các trường học ở vùng sâu vùng xa nhằm lan tỏa phong trào đọc sách đến với học sinh khó khăn. Điều này thể hiện tâm huyết của các các thành viên câu lạc bộ đối với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Để việc đọc sách của các em học sinh thêm hiệu quả, với mỗi lần tặng tủ sách, Cô Nguyễn Thị Hồng và các thành viên câu lạc bộ đã có những buổi giao lưu, trò chuyện với các em học sinh, nói chuyện về sách, hướng dẫn cách đọc sách, hướng dẫn bảo quản sách, tìm hiểu nhu cầu về sách của các em. Đặc biệt, Câu lạc bộ cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách như: Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách – Hành trang vào tương lai” tại xã Trung Chải, thị xã Sa Pa; Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách – Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc” tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của sách trong cộng đồng; tổ chức trò chơi Nhìn hình đoán truyện, thi kể 1 câu chuyện hay đọc một bài thơ mà em có ấn tượng nhất. Ngày hội đọc sách được tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong học sinh dân tộc thiểu số, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, tạo thói quen và nâng cao kỹ năng đọc, rèn kỹ năng kể chuyện theo sách cho học sinh. Đồng thời giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số hình thành phong cách trình bày, tự tin trước đông người, cũng như nhận thức, thể hiện cảm xúc và hành động ứng xử trong gia đình và xã hội; bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống xung quanh.
Cô Nguyễn Thị Nguyên – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai cho biết: Để thuận tiện cho việc đọc sách, nhà trường đã đặt tủ sách tại khu vực cầu thang để thuận tiện nhất cho việc mượn và đọc sách của các em. Các em đã rất hào hứng khám phá và chủ động mượn đọc sách truyện. Tủ sách của Câu lạc bộ vùng cao yêu thương trao tặng đã thực sự có ý nghĩa đối với các em học sinh nơi đây- đặc biệt với học sinh dân tộc bán trú- vì ngoài giờ lên lớp, thời gian tự học, các em có thể đọc sách, tăng cường vốn ngôn ngữ tiếng Việt, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự học, tự đọc, làm việc nhóm.
Hiện nay, ở vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, sách cho các em học sinh còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, nhiều trẻ em, nhất là trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận sách, báo. Hoạt động trao tặng tủ sách của câu lạc bộ Vùng cao yêu thương đã tạo điều kiện cho các em tiếp cận với sách, truyện, qua đó phát triển văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách cho các em. Các tủ sách tuy không lớn về mặt vật chất nhưng ý nghĩa về tinh thần, giúp trẻ em nơi bản xa, núi cao có được một cuộc sống tinh thần phong phú hơn.
Trao tủ sách cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phìn (xã Ngũ Chỉ Sơn – thị xã Sa Pa)
Nhu cầu đọc và văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển. Để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trẻ em không ngại đọc, ngại khai thác thông tin, kiến thức một cách có chiều sâu, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa văn hóa đọc đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với hành trình “Gieo sách – Gieo yêu thương”, câu lạc bộ “Vùng cao yêu thương” đã và đang truyền “lửa”, lan tỏa văn hóa đọc đến các em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. lan tỏa tình yêu sách trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ./.