Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (giữa ảnh) thăm mô hình trông rau an toàn ở Sa Pa.
Nhiều điểm nhấn của năm
Những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2020 là tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,05%; giá trị sản phẩm/ha canh tác đạt 80,1 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2019; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 đạt 7.344 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có chuyển biến tích cực, nông nghiệp chiếm 80%, lâm nghiệp 15%, thủy sản 5%.
Điểm nhấn quan trọng là phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực và đã chuyển dần sang sản xuất tập trung phục vụ nhu cầu của thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất, chất lượng và sản lượng cao hơn. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng lên 2.774 ha gồm rau, hoa, dược liệu, chè, cây ăn quả ôn đới; diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao hơn 14.515 ha, đây là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các năm tiếp theo. Diện tích cánh đồng một giống lúa được các địa phương mở rộng lên 9.860 ha, với năng suất bình quân cả năm đạt 63,2 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 9,7 tạ/ha; ngô mật độ dày là 15.300 ha, năng suất bình quân cả năm 60,8 tạ/ha, tăng hơn năng suất bình quân chung của tỉnh là 19,3 tạ/ha.
Người dân cũng chủ động thực hiện các tiêu chí trong sản xuất để tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc, đến nay có 1.324 ha quế hữu cơ, 655 ha chè hữu cơ, 5 ha rau hữu cơ.
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn được đẩy mạnh, đã khuyến khích được các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến và ứng dụng công nghệ thông tin, truy xuất, minh bạch thông tin sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại nông sản an toàn đặc hữu của tỉnh. Đến hết năm 2020, có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với 266 sản phẩm được gắn tem truy xuất QR-Code.
Chăn nuôi phát triển mạnh, dịch bệnh được kiểm soát; chăn nuôi trang trại, công nghiệp tăng nhanh, đến nay có 9 cơ sở chăn nuôi công nghiệp và hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm; sản lượng thịt hơi các loại đạt 60.220 tấn. Thủy sản từ chỗ khai thác tự nhiên, nuôi quảng canh tự cấp, tự túc phạm vi hộ gia đình chuyển sang nuôi thâm canh, hàng hóa hiệu quả cao như cá nước lạnh, rô phi đơn tính, cá chép lai… sản lượng đạt 9.830 tấn.
Lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hóa và bền vững, gắn xây dựng vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và thu nhập từ rừng. Diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt, đã chuyển từ hoạt động khai thác là chính sang bảo vệ rừng tự nhiên, tăng cường giao khoán bảo vệ rừng, thực hiện chủ trương rừng có chủ. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 56,01%.
Việc phát triển hợp tác xã và kinh tế trong nông nghiệp đã và đang góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 215 hợp tác xã nông nghiệp, 101 tổ hợp tác nông nghiệp và có 276 trang trại theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT. Tổng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh bình quân khoảng hơn 2 tỷ đồng/trang trại và giá trị sản xuất của các trang trại đạt trên 550 tỷ đồng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2020, công nhận thêm 41 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh đến nay lên 92 sản phẩm OCOP thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 23 sản phẩm 4 sao, 69 sản phẩm 3 sao.
Mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được xây dựng và từng bước phát triển. Người dân đã dần bắt nhịp theo chủ trương của tỉnh, chuyển hướng sang kinh doanh du lịch từ những lợi thế sẵn có của địa phương và mang lại những hiệu quả nhất định từ mô hình này. Các mô hình du lịch nông nghiệp được xây dựng, phát triển tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai nhận được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân. Các địa phương đã chủ động trong việc huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước hiệu quả và phát huy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh là 57/127 xã, đạt 44,88% tổng số xã, vượt 16,88% so với kế hoạch Trung ương giao.
Tạo bước chuyển mới
Năm 2020, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, xác định nông nghiệp là động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, với việc phân tích, nhận định được tình hình thực tế và sự chỉ đạo, điều hành tại mỗi thời điểm của lãnh đạo tỉnh và các địa phương nên các chỉ tiêu nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao và đạt những kết quả quan trọng.
Phát huy những kết quả đạt được năm qua, ngành nông nghiệp đề ra chỉ tiêu trong năm 2021, phấn đấu giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 84 triệu đồng; sản lượng thịt hơi đạt 61.500 tấn; sản lượng thủy sản đạt 10.050 tấn; trồng mới 350 ha chè chất lượng cao; trồng thêm 9.450 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,82%; thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để sản xuất nông nghiệp đi theo đúng lộ trình là nâng cao giá trị gia tăng, trong giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại 4.0 và cơ giới hóa; phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để phát triển các sản phẩm đặc hữu của Lào Cai có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyển đổi khoảng 3.000 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng các cây khác như rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả… có giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển các sản phẩm chủ lực như hình thành vùng sản xuất rau chuyên canh, rau trái vụ hơn 1.250 ha; phát triển ổn định 350 ha vùng trồng hoa chất lượng cao; vùng dược liệu 2.500 ha với các chủng loại có tiềm năng, lợi thế; vùng chè tập trung hơn 6.800 ha; vùng cây ăn quả ôn đới (mận, đào, lê) hơn 3.000 ha.
Phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phát triển những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao như lợn đen bản địa, bò vàng vùng cao… Xây dựng các vùng nuôi tập trung, nuôi thâm canh, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng và bảo vệ, bảo tồn nguồn gen của các loài thủy sản quý hiếm…
Triển khai thực hiện hiệu quả đề án, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Năm 2021, trồng mới 9.450 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu; đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…