Ứng dụng CNTT trong khai báo Y tế
Việt Nam đã có 16 giải pháp CNTT được ứng dụng trong công tác phòng chống dịch COVID- 19 và đang phát huy hiệu quả. Các ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai theo 2 hướng là khối ứng dụng phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch các cấp và khối ứng dụng cho người dân.
Ứng dụng CNTT trong theo dõi, giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Hệ thống giám sát dịch COVID-19 được triển khai nhằm kết nối thông tin thời gian thực từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đến các đơn vị y tế phụ trách chống dịch ở các tuyến tỉnh, huyện, xã để theo dõi, giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với cán bộ Y tế các cấp Trung ương/khu vực/tỉnh (thành phố)/huyện (quận), hệ thống cung cấp dashboard (tạm gọi là bảng thông tin) thống kê y tế để theo dõi thông tin sức khỏe toàn bộ người có dấu hiệu dịch tễ hoặc triệu chứng liên quan đến dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Đối với cán bộ Y tế cấp xã/phường, hệ thống cung cấp công cụ để đánh giá tình trạng dịch tễ, thông tin triệu chứng; theo dõi, xử lý và cập nhật thông tin lên hệ thống.
Hệ thống giúp phân loại tình trạng giám sát sức khỏe của người dân theo các nhóm: Người bệnh xác định (F0); Người nghi nhiễm, người tiếp xúc với bệnh nhân (F1); Người tiếp xúc với F1; Người tiếp xúc với F2; Người tiếp xúc với F3; Trở về từ vùng dịch (VD). Qua đó, cán bộ y tế theo dõi được trạng thái xử lý của người dân, hệ thống có các trạng thái: chưa xử lý, đang theo dõi, không tìm thấy, ngoài phạm vi, hết theo dõi, đã cách ly…giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được tình trạng sức khỏe của người dân và chủ động đưa ra các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Ứng dụng CNTT trong khai báo Y tế
Từ ngày 10/3/2020, người dân trên cả nước đã thực hiện khai báo sức khỏe trên Ứng dụng khai báo Y tế tự nguyện (NCOVI). Qua ứng dụng này, người dân có thể khai báo y tế cho bản thân và những người thân trong gia đình cũng như cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân và người thân hàng ngày. Đồng thời được tiếp cận thông tin về dịch bệnh, biết được khu vực nào có dịch, khu vực nào an toàn; được hướng dẫn cách phòng tránh dịch; được hỗ trợ y tế kịp thời khi gặp các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tất cả thông tin khai báo của người dân trên ứng dụng khai báo y tế sẽ được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích để cùng nhau chống dịch, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích thương mại và không xâm phạm đến đời tư người dân. Sau 1 tuần ra mắt, tính đến sáng 15/3, đã có 234.577 người đăng ký khai báo sức khỏe tự nguyện, gần 50.000 lượt đăng ký bản ghi theo dõi sức khỏe, 1.894 phản ánh, kiến nghị của người dân về việc phát hiện các trường hợp nghi nhiễm dịch. Việc khai báo y tế tự nguyện toàn dân đã giúp các cơ quan quản lý có thể kiểm soát tối đa dịch bệnh Covid-19 và đưa ra các biện pháp phòng chống một cách chủ động.
Ứng dụng Vietnam Health Declaration được chính thức ra mắt ngày 9/3 là ứng dụng dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để khai báo y tế, hỗ trợ tích cực cho việc kiểm soát toàn bộ quá trình di chuyển của hành khách. Ứng dụng sử dụng 12 ngôn ngữ, thuận tiện cho người nhập cảnh chủ động khai báo. Sau một tuần triển khai, hệ thống đã ghi nhận gần 100.000 hồ sơ của người nhập cảnh.
Ứng dụng khai báo Sức khỏe Du lịch (VHD) được triển khai từ ngày 15/3/2020 dành cho các sân bay/cửa khẩu và 100% cơ sở lưu trú/nhà hàng, các hãng vận tải trên toàn quốc nhằm hỗ trợ cho các cơ quan chức năng nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam; tình trạng sức khỏe của du khách từ đó sớm tìm ra các trường hợp cần chú ý để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động và nhanh nhất. Việc tích hợp khai báo Sức khỏe du lịch trên ứng dụng khai báo y tế điện tử sẽ hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phát hiện nguồn lây bệnh và kiểm soát được hoạt động du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Ứng dụng CNTT trong truyền thông phòng, chống dịch
Việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, khuyến cáo người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây là cách tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất, chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và hoàn toàn chủ động.
Do đó, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực ứng dụng CNTT trong tuyên truyền phòng, chống dịch: sử dụng tin nhắn, bảng thông tin, hệ thống thông tin điện tử (báo điện tử, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội) để người dân có thể chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh và thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã tích cực sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook, youtobe để tuyên truyền, khuyến cáo, cung cấp thông tin cho người dân giúp người dân chủ động phòng tránh ngay từ ban đầu. Các chương trình đối thoại, giao lưu trực tuyến, hỏi và đáp trực tuyến được thực hiện thường xuyên nhằm cập nhật thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính xác tới người dân.
CNTT còn được ứng dụng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý các thông tin sai sự thật, tin giả về dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Chỉ trong gần 3 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện và xử lý trên 800 vụ việc liên quan đến tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19. Hoạt động này đã giúp nhân dân hiểu và nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19 một cách chủ động.
Các giải pháp ứng dụng CNTT đã và đang hỗ trợ đắc lực cho phòng dịch, góp phần giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình về dịch Covid-19 và các giải pháp này càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong khi diễn biến dịch phức tạp như hiện nay.