Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đá Đinh, xã Tả Phời là hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi lợn. Gia đình ông thường xuyên duy trì 30 con lợn nái, 100 con lợn thịt, trung bình mỗi năm bán gần 500 con lợn giống, 30 tấn lợn hơi, thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ông Sơn cho biết: Gia đình tôi luôn giữ chuồng lợn sạch sẽ, cho lợn uống đủ nước sạch, bổ sung men tiêu hóa trộn vào nước uống; định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.
Còn gia đình anh Hoàng Văn Sang, thôn An Thành, xã Thống Nhất đã nhiều năm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tại, trang trại của anh có hơn 2.000 con gà, đàn lợn 50 con và đàn bò gần 10 con. Để đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, gia đình anh áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi theo từng mùa, đồng thời thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin định kỳ.
Anh Sang cho biết: Gia đình tôi chú trọng phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bởi nếu dịch bệnh xảy ra rất khó cứu chữa. Đối với gà, tiêm phòng đủ 6 loại vắc-xin kể từ khi mới vào đàn đến lúc xuất chuồng. Đối với bò, vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ thất thường, dễ mắc các loại bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, nếu có dù chỉ một biểu hiện nhỏ xuất hiện, tôi cũng phải chữa trị ngay. Còn để phòng bệnh cho lợn, không gì tốt hơn là phòng các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, lở mồm, long móng. Ngoài ra, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho lợn ăn đủ dinh dưỡng…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Để bảo vệ đàn vật nuôi trong thời tiết giao mùa, UBND xã chỉ đạo các thôn khi tái đàn phải yêu cầu người dân nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch của thành phố thì các hộ cũng phải chủ động nắm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh.
Thành phố Lào Cai hiện có hơn 137 nghìn con gia súc, gia cầm. Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, Trạm Thú y thành phố đã cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời. Cùng với đó, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh và quan tâm chế độ chăm sóc vật nuôi.
Trên địa bàn thành phố có 8 chợ dân sinh và hàng trăm điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ. Việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm diễn ra sôi động, đây là nguy cơ lây nhiễm các bệnh và nguy cơ phát sinh dịch cao. Vì vậy, Trạm Thú y thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân, thành phố Lào Cai phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.