Dấu tích khu nhà xưởng chế biến chè nằm ngay dưới khu hành chính mới hôm nay.
Từ căn cứ Hóa Chiêu Chải…
Cái tên Hoàng Thu Phố được phiên âm từ tiếng Quan Thoại dịch là “núi đất đỏ”. Theo lời kể của các già bản, trước đây, muốn lên vùng núi đất đỏ chỉ có đường mòn độc đạo từ Phố Trên, Tà Chải qua Bản Phố, rồi đi ngược lên. Trên đường đi phải vượt con dốc cao mà người Mông gọi là “Ký lùa cang”.
Tư liệu lịch sử huyện Bắc Hà ghi: Năm 1886, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm Lão Nhai (Lao Kay), nhiều lần đưa quân đánh chiếm Bắc Hà nhưng đều bị nghĩa quân của thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng, có căn cứ ở khu Dìn Phàng (nay thuộc xã Tà Chải) kéo xuống phục kích tại dốc Trung Đô. Đầu năm 1891, quân Pháp huy động viện trợ lên tới 1 tiểu đoàn lính chiến hòng chiếm bằng được Bắc Hà. Trước sức ép về ưu thế vũ khí của địch, lại khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần, nghĩa quân của Giàng Chẩn Hùng từ Dìn Phàng rút lên xây dựng căn cứ mới ở Hóa Chiêu Chải (nay là bản Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố) tiếp tục chống giặc.
Tại đây, nghĩa quân được đồng bào Mông địa phương nhường cơm, sẻ áo, giúp nguyên liệu chế tạo thêm vũ khí, đạn dược. Năm 1896, thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng ốm mất, phong trào tạm lắng xuống, căn cứ Hóa Chiêu Chải được giao cho người em là Giàng Chẩn Dùng chỉ huy. Đầu năm 1900, quân Pháp xây đồn ở Bắc Hà, lôi kéo được thổ ty Hoàng Yên Chao và lập hệ thống seo phải, binh thầu tay sai ở các vùng Tà Chải, Nậm Mòn, Cốc Ly để cô lập căn cứ Hóa Chiêu Chải. Trước nhiều khó khăn, nghĩa quân của Giàng Chẩn Dùng phải rút lên đóng quân ở khu vực Lùng Phình, rồi về Seng Sui (nay là Lùng Sui – Si Ma Cai) để tiếp tục chống Pháp…
Đưa chúng tôi đi tham quan những điểm di tích ở Hoàng Thu Phố liên quan đến nghĩa quân của thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng và những phế tích mà người Pháp lập lên ở đây, ông Giàng Seo Phù, nguyên Bí thư Đảng ủy xã kể: Không phải ngẫu nhiên mà thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng chọn Hóa Chiêu Chải ở Hoàng Thu Phố lập căn cứ, có lẽ vì vùng đất này có vị trí chiến lược. Nơi đây có ngọn núi mà người dân địa phương quen gọi là “Trông Teo” (điểm cao), đứng từ đây có thể quan sát các vùng xung quanh nằm dọc tuyến sông Chảy đến thị trấn Bắc Hà, xã Bản Phố, xã Cốc Ly và vùng ven sông Chảy. Đặc biệt, hôm trời quang có thể nhìn thấy thành phố Lào Cai. Khi quân Pháp đến đây cũng cho lập đài quan sát cắm mốc tọa độ và bố trí trận địa pháo để khống chế cả vùng.
… đến “kho báu” trên núi đất đỏ
Trò chuyện với chúng tôi về những di tích lịch sử mà nghĩa quân còn lưu giữ ở Hoàng Thu Phố, cụ Sùng Seo Chô, bản Chồ Chải cho biết: Dấu tích xưa qua thời gian không còn nhiều, chỉ có thể nhận biết từ bệ súng thần công, tường thành pháo đài, khu lò chế biến chè… và qua những câu chuyện của người già trong bản về nghĩa quân xưa.
Hiện nay ở Hoàng Thu Phố còn rất nhiều rừng chè Shan tuyết cổ thụ được người dân giữ gìn, chăm sóc.
Nhấp ngụm trà Shan tuyết nóng, cụ Chô chậm rãi kể: Hoàng Thu Phố đang lưu giữ “kho báu” là rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Khi đem quân về đây lập căn cứ Hóa Chiêu Chải, trong lúc dựng thành, đắp lũy, thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng phát hiện trên “núi đất đỏ” có một rừng chè Shan tuyết rất lớn. Trước đó, mỗi năm 2 lần có một số người Hoa từ bên Mã Quan (Trung Quốc) sang tận nơi mua và thuê người hái búp rồi dùng chảo đồng sao khô, sau đó cho vào ống nứa bịt kín chở về. Hỏi người dân thì được biết, người Vân Nam rất thích dùng chè Shan tuyết ở Hoàng Thu Phố, bởi có hương vị thơm ngon đặc biệt và uống vào rất tốt cho sức khỏe. Từ đó, thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng sai người trồng thêm nhiều chè Shan tuyết trên các đỉnh núi, quanh căn cứ. Đồng thời, ông ra lệnh không cho người bên ngoài đến thu mua chè mà cho mở các trạm thu hái, xưởng chế biến chè, sau đó chuyển xuống Cốc Lếu, lên Si Ma Cai bán hoặc trao đổi thuốc súng, dược phẩm với thương gia Mã Quan (Trung Quốc).
Thêm vào câu chuyện, ông Giàng Seo Phù tiếp: Khi còn công tác, có lần ông đón đoàn chuyên gia người Pháp đi nghiên cứu về dinh thự Hoàng A Tưởng, sau đó họ vào Hoàng Thu Phố và có mang một số tài liệu liên quan đến cây chè Shan tuyết. Nghe một người trong đoàn cho biết thì vào khoảng năm 1900, khi người Pháp đưa quân lên cai quản Hoàng Thu Phố, họ cũng nhận ra những rừng chè Shan tuyết mang lại nhiều lợi ích kinh tế và là đặc sản vùng này có thể mang về “mẫu quốc” làm quà biếu. Theo họ, những năm sau đó người Pháp tiếp tục cho nhân rộng vùng trồng chè Shan tuyết và lập các xưởng chế biến chè. Cứ như thế, những rừng chè Shan tuyết được mở rộng, mỗi gia đình người Mông nơi đây đều có khu đất riêng để trồng, coi đó là tài sản gia truyền.
Biết chúng tôi muốn khám phá rừng chè Shan tuyết cổ thụ trên “núi đất đỏ”, ông Giàng Seo Phù với cái lù cở và con dao phát dẫn chúng tôi men theo đường mòn lên núi. Chỉ vào một cây chè cổ thụ, ông Phù nhẩm tính, nếu theo các cụ kể lại thì “cụ chè” này đã hơn 300 năm tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, trong rừng chè có những cây cao gần 15 m, tán và cành lá sum suê, đường kính gốc hai người ôm. Mỗi lần thu hoạch, người dân phải bắc thang trèo lên ngọn để thu hái búp.
Có chuyện rất khó lý giải về những cây chè Shan tuyết ở đây là nếu muốn nhân giống và trồng ở trên núi này thì cây phát triển xanh tốt và cho sản phẩm tuyệt hảo, nhưng nếu đem đi nơi khác trồng thì khó sống quá một năm. Cách đây mấy năm có “đại gia” bên Sơn La bỏ tiền mua hai cây chè cổ thụ của một hộ, sau đó đưa kỹ sư nông nghiệp đến xử lý kỹ thuật trước khi bứng cây, dùng xe cẩu mang về trồng, cho dù được chăm sóc kỹ càng nhưng cả hai cây đều không sống được.
Khi thấy chúng tôi đặt câu hỏi rằng đã có sản phẩm nào được đăng ký thương hiệu chè Shan tuyết Hoàng Thu Phố chưa, Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Nhà cho biết: Ở Hoàng Thu Phố, người dân đều hiểu rằng “kho báu” chè Shan tuyết không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn cả văn hóa, lịch sử, du lịch và là nguồn gen quý hiếm cần được gìn giữ. Đến nay, loại chè đặc biệt này sản xuất chưa nhiều và được thu mua bởi một nhóm thương lái liên kết với người Hoa, chưa có bán rộng rãi trên thị trường. Vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà và UBND xã đã xây dựng, triển khai Dự án bảo tồn vùng chè Shan tuyết, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư chế biến và phát triển cây chè Shan tuyết bền vững.
Theo dòng chảy thời gian, Hoàng Thu Phố hôm nay đã đổi thay mạnh mẽ, đường vào xã được rải nhựa rộng rãi để ô tô đi lại dễ dàng; đường đến các thôn cũng được đổ bê tông, xe máy có thể đến từng nhà; căn cứ Hóa Chiêu Chải giờ mang tên mới là bản Chồ Chải với những căn biệt thự mái ngói đỏ tươi lấp ló dưới tán cây mận, tán lê, tán chè xanh mướt. Cuộc sống khấm khá lên, nhưng người dân ở đây vẫn đau đáu một ước vọng, đó là làm sao gìn giữ, bảo tồn được “kho báu” chè Shan tuyết cổ thụ – niềm tự hào của “núi đất đỏ”.