Nông dân Bảo Thắng sản xuất cây giống lâm nghiệp. Ảnh: HÀ AN |
Chặng đường xây dựng nông thôn mới của huyện Bảo Thắng trong những năm qua là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự chủ động của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc tự giác, tích cực của Nhân dân. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nổi bật là trong phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, thủy sản có sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo chiều tích cực, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Bằng nhiều nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, cơ sở trường – lớp học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, hệ thống lưới điện quốc gia, mạng lưới thông tin, truyền thông. Diện mạo nông thôn huyện Bảo Thắng đã thay đổi rõ rệt, trong đó kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và ổn định, văn hóa – xã hội chuyển biến tốt, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên.
Xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (năm 2011) các xã trên địa bàn huyện Bảo Thắng mới đạt trung bình 4,33 tiêu chí/xã, xã đạt cao nhất cũng chỉ có 6 tiêu chí, chất lượng các tiêu chí đạt được ở mức tối thiểu.Cùng với đó, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu và thiếu đồng bộ, việc huy động nguồn lực cho chương trình những ngày đầu gặp nhiều khó khăn do người dân đồng thuận chưa cao. Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này, huyện Bảo Thắng đã tập trung chỉ đạo, điều hành bằng những chương trình hành động, quyết định, đề án, kế hoạch cụ thể, bám sát yêu cầu thực tế trong từng giai đoạn và mỗi địa phương có cách làm khác khau. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân thông qua các phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế hăng hái tham gia rộng khắp trong cộng đồng dân cư.
Kết quả là nhiều phong trào thi đua tại Bảo Thắng đã trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh, nhất là phong trào thi đua xây dựng các mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi. Đến hết năm 2019, tổng sản lượng lương thực cây có hạt của huyện là trên 41.200 tấn (đạt 177% mục tiêu Đại hội). Sản xuất lúa theo mô hình “Một cánh đồng một giống, một thời gian gieo trồng” được duy trì với hơn 600 ha; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung và có chất lượng cao rộng 1.280 ha; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Trong chăn nuôi, kinh tế trang trại tiếp tục chiếm ưu thế với 420 trang trại trên toàn địa bàn, chiếm 74% tổng số trang trại chăn nuôi toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha đất canh tác đạt 80 triệu đồng/năm (tăng gần 2 lần so với năm 2010), thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng (tăng 14 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,03%;tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69% (tăng 13,3% so với năm 2015), hằng năm tạo việc làm mới cho 3.300 người, vượt 83% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Huyện Bảo Thắng hiện có 54 trong tổng số 77 trường học đạt chuẩn Quốc gia (chiếm trên 70%), tăng 39 trường so với năm 2010; toàn huyện có 86% số hộ, 98% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.
Trong những năm qua, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã đạt những kết quả to lớn với tổng chiều dài lên tới 598,8 km, trong đó bê tông xi măng 374 km; rải cấp phối 184,8 km và mở mới 40 km đường nông thôn. Tại xã Phú Nhuận và xã Xuân Quang, sau khi hoàn thành nâng cấp đường giao thông nông thôn, địa phương đã chủ động mở rộng nền đường bê tông từ 4 m lên 7 m để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và đời sống.
Diện mạo nông thôn Bảo Thắng có nhiều thay đổi. Ảnh: NGỌC BẰNG |
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, người dân, cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ nguồn tài chính, khối lượng vật chất đạt gần 54 tỷ đồng, người dân tình nguyện hiến hơn 500 nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng. Các phong trào thi đua giữ gìn an ninh trật tự nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; vệ sinh môi trường cũng được huyện, các xã phát động mạnh mẽ và đạt kết quả rất đáng biểu dương.
Để sớm đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Bảo Thắng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức thực hiện tốt Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” gắn với xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cũng cần tích cực ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông – lâm nghiệp, dịch vụ – thương mại. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu sản xuất, nhu cầu của các cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa tại khu vực nông thôn. Tiếp tục nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và coi trọng xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi.
Về nguồn lực:Huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các tiêu chí cấp huyện chưa đạt hoặc đạt mức tối thiểu; với cơ sở là dành nguồn vốn xứng đáng cho thực hiện các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Để bổ sung nguồn lực cho chương trình, các xã cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, chú trọng thực hiện những phần việc xã, thôn và người dân phải làm. Với các xã vừa hoàn thành chương trình nông thôn mới ở mức tối thiểu cần tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí mới.
Với tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo và truyền thống huyện anh hùng, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, của hệ thống chính trị, Bảo Thắng sẽ sớm “về đích” huyện nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Ngô Minh Quế
Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng