Toàn cảnh phiên họp.
Lào Cai là tỉnh thuộc vùng núi cao Tây Bắc, có 182,09 km đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 6.364,02 km2 diện tích tự nhiên, đến ngày 31/12/2017 có 694.416 người, 09 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Lào Cai và 08 huyện) và 164 đơn vị hành chính cấp xã (143 xã, 12 phường và 09 thị trấn), với 26 xã, phường, thị trấn có biên giới. Trong đó, huyện Sa Pa là huyện vùng cao thuộc khu vực phía Tây của tỉnh Lào Cai, có trục quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu chạy qua và ở vị trí cửa ngõ giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Toàn huyện có 681,37 km2 diện tích tự nhiên, 61.498 người và 18 đơn vị hành chính cấp
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc thành lập thị xã Sa Pa xuất phát từ hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội và đô thị trên địa bàn huyện Sa Pa. Sa Pa là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Lào Cai, đã có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, thuộc cửa ngõ nối hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc. Ở độ cao trung bình 1.200 – 1.800 m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm, với đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 m, được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”; nơi có sự tổng hòa của bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 6 dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó.
Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng hằng năm (tăng trung bình 23,4%/năm). Trên địa bàn Sa Pa có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành; có nhiều dự án lớn đã hoàn thành. Hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, giao thông nông thôn, giao thông công cộng và các hạ tầng khác như điện, nước, dịch vụ viễn thông,… được ưu tiên đầu tư, nâng cấp và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Sa Pa đã trở thành một trong hai Khu du lịch quốc gia trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận (cùng với Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc thành lập thị xã Sa Pa nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn của huyện Sa Pa hiện nay, cụ thể là sự quá tải của đô thị Sa Pa kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được khai thông từ tháng 9 năm 2014 đến nay đã làm thay đổi cơ bản thị trường khách du lịch đến Sa Pa, đã trở thành khu du lịch đại chúng và là nguyên nhân nảy sinh các vấn đề bất cập về văn minh du lịch, thương mại, nếu không có sự quản lý tốt sẽ rất phức tạp về an ninh trật tự, môi trường. Do số lượng khách du lịch tăng đột biến, hàng ngày có từ 5.000-8.000 xe ô tô lớn, nhỏ đến Sa Pa, dẫn đến hàng loạt các cơ sở lưu trú, dịch vụ, giải trí phục vụ khách du lịch tăng theo, tạo áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng, làm suy giảm khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị; hệ thống đường giao thông nội thị nhỏ hẹp, xuống cấp thường xuyên gây ùn tắc, cảnh quan bị xâm hại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp.
Trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của Sa Pa, mô hình chính quyền nông thôn của huyện Sa Pa không còn phù hợp trong việc quản lý địa bàn có tốc độ đô thị hoá cao, quy mô kinh tế phát triển nhanh, lượng khách du lịch lớn, nhất là từ khi Khu du lịch quốc gia Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận. Vì vậy, việc được chuyển đổi mô hình từ chính quyền nông thôn (huyện) sang thành chính quyền đô thị (thị xã) để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý địa bàn đã, đang tiếp tục có tốc độ đô thị hoá nhanh là rất cần thiết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quản lý về du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng…, tạo động lực phát triển mới đối với với Sa Pa hiện nay và trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc thành lập thị xã Sa Pa góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đã được xác định là địa bàn trọng điểm trên tuyến hành lang biên giới Việt – Trung tại Quyết định số 1151/QĐ-TTG ngày 30/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều điểm cao có giá trị chiến lược về quốc phòng, an ninh (điển hình là đỉnh Phan Si Păng), có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, với quy mô diện tích tự nhiên, dân số và phát triển của đô thị hiện nay thì cần thiết phải điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn Sa Pa và các xã: Sa Pả, Lao Chải, San Sả Hồ để thành lập 6 phường thuộc thị xã Sa Pa.
Với đặc điểm vùng cao, miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên khối lượng công việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ hành chính công tại các xã không nhiều; vị trí địa lý, giao thông, thông tin, liên lạc hiện nay đã thuận tiện; các yếu tố về văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán…của các xã có tính chất tương đồng. Vì vậy, cần sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp, đảm bảo quy định theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa như Đề án Chính phủ trình. Theo Đề án này sẽ giảm được 02 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tăng quy mô các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế. Hồ sơ Đề án và các tài liệu kèm theo là đầy đủ; trình tự, thủ tục lập Đề án theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Tờ trình, Đề án và Báo cáo của Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Sa Pa có những đặc điểm đặc thù về điều kiện tự nhiên; về quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia; về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội,…. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sa Pa thuộc trường hợp đặc biệt để áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết số 1211. Theo đó, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định, nhưng do tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có, nên có thể được thành lập thị xã trước khi đạt được những tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 1211. Đối với tiêu chuẩn, tiêu chí còn thiếu là tỷ lệ % số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với trung bình của tỉnh, trong Đề án, Báo cáo số 332/BC-CP của Chính phủ và báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai đã đề cập phương án khắc phục cụ thể. Riêng về tiêu chuẩn khu vực đã được phân loại đô thị (loại IV) không trùng khớp với khu vực dự kiến thành lập thị xã, Chính phủ đã lý giải do địa hình của Sa Pa có 449,72 km2 diện tích đất rừng (chiếm 66% diện tích tự nhiên của toàn huyện).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.
Trên cơ sở hồ sơ Đề án, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, vì tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có nên có thể cho phép được vận dụng trường hợp đặc biệt tại điểm a khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 để thành lập thị xã Sa Pa như đề nghị và giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hãn hữu, đặc thù, đặc biệt nên đề nghị chỉ cho riêng Sa Pa được phép áp dụng quy định này. Đề nghị Chính phủ lưu ý trong quá trình xem xét, xây dựng các đề án khác về địa giới hành chính cần rà soát, quát triệt thật kỹ, tránh tạo tiền lệ cho việc vận dụng quy định này để đề nghị thành lập đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn.
Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ và chính quyền tỉnh Lào Cai phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng thị xã Sa Pa phù hợp với quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để Sa Pa phát triển mọi mặt về kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm quyền lợi, đời sống, sản xuất của nhân dân và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, quyền lợi và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trên địa bàn theo đúng các nội dung đã nêu trong Đề án và Báo cáo giải trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và UBND tỉnh Lào Cai phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu; có biện pháp tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi con dấu, giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính vừa được điều chỉnh và thành lập mới; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của người dân khi thành lập thị xã và các phường.
Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý, bởi đây là địa bàn có liên quan đến vấn đề quốc phòng và an ninh. Địa hình Sa Pa có giá trị đặc biệt về lĩnh vực quốc phòng, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143m, người ta nói đây là “nóc nhà của Đông Dương”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng thủ và tiến lui của một lực lượng, nếu đối phương chiếm được toàn dãy Fansipan thì sẽ khống chế được toàn bộ phía Nam. Thực tế trong chiến tranh biên giới xảy ra thì đây cũng là điểm đối phương chiếm giữ và tác chiến rất quyết liệt. Bên cạnh đó, đây cũng là một địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, trọng có ý nghĩa quan trong tác chiến, trong phòng thủ. Đồng thời, đây còn là một điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thu hút lượng khách du lịch trong nước và ngoài nước hàng năm rất nhiều và ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính vì khách du lịch đến nhiều thì cũng tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh. Do vậy, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định nhưng bởi vì đây là vấn đề đặc thù, nên có thể vận dụng điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị quyết 1211 của Quốc hội cho địa bàn đặc biệt này.
Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay sau khi thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cần phải thực hiện giải quyết vấn đề chính sách, chế độ, đời sống của người dân ở những xã vùng sâu trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn khi nâng lên thị xã; quan tâm đầu tư cả cơ sở hạ tầng, tổ chức đời sống sản xuất, sinh hoạt, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính cho bà con. Bên cạnh đó, bố trí nguồn ngân sách của trung ương, ngân sách của tỉnh và thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp để phát triển hạ tầng đô thị ở Sa Pa, đáp ứng yêu cầu của một địa bàn đô thị. Đặc biệt, phải đầu tư tu bổ lại các trụ sở làm việc cho những đơn vị hành chính từ xã lên phường, tận dụng cơ sở hiện nay của xã như trụ sở của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhưng cũng có những trụ sở phải làm thêm mới như trụ sở của công an phường. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an quan tâm hỗ trợ để Sa Pa sớm triển khai thực hiện tốt việc này./.