Anh Bàn Phúc Khánh (Thẳm Dương – Văn Bàn) chăm sóc rừng quế hơn 5 năm tuổi của gia đình.
Văn Bàn là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp. Xác định đây là ngành kinh tế chủ lực, trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng bền vững luôn là chủ trương được Đảng bộ huyện chỉ đạo thực hiện, trong đó quế là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho Nhân dân.
Mở rộng diện tích gắn với quy hoạch vùng trồng, khai thác có hiệu quả tiềm năng cây quế đang là hướng đi bền vững. Giúp người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Với ưu điểm dễ trồng, ít sâu bệnh, chỉ mất công chăm sóc trong 3 năm đầu, từ năm thứ 7 trở đi có thể khai thác tỉa và sẽ cho giá trị cao khi trồng từ 15 năm trở lên, quế đã trở thành cây trồng truyền thống và duy trì cho đến nay tại Văn Bàn.
Để tận dụng tối đa sản phẩm của cây quế, huyện đã quan tâm phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình dự án, lồng ghép mở những lớp tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch, đến sơ chế các sản phẩm quế có chất lượng với giá thành cao hơn, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu. Cơ chế, chính sách khuyến khích trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm được các địa phương nỗ lực thực hiện, nhờ đó cây quế được nâng tầm giá trị.… Được biết, Cơ sở thu mua quế của gia đình chị Hoàng Thị Tươi, thôn Khổi Ngoa, xã Liêm Phú đã trở thành địa chỉ tin cậy với các hộ trồng quế ở các xã phía Nam huyện Văn Bàn, bình quân mỗi năm cơ sở thu mua gần 100 tấn quế tươi. Cơ sở của chị Tươi đã đầu tư máy tuốt cành để tận dụng vỏ quế vụn. Đối với hàng vỏ loại A thì chị thuê nhân công bào, gọt sơ chế thành hàng ống sáo, điếu…, giúp tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.
Nhờ quy hoạch phát triển các vùng trồng quế trọng điểm của huyện, người dân đã chú trọng mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, trồng gối vụ trên diện tích đã thu hoạch… Đến nay, huyện Văn Bàn có gần 700 ha quế. Bình quân mỗi năm, toàn huyện xuất bán ra thị trường hơn 200 tấn vỏ quế khô cùng nhiều phụ phẩm như cành, lá, gỗ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều gia đình trở thành hộ khá, giàu có thu nhập 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm.
Văn Bàn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây quế.
Trong những năm qua, để phát triển vùng trồng quế bền vững, khai thác tiềm năng cây quế đạt hiệu quả kinh tế cao, các địa phương tại huyện Văn Bàn rất quan tâm đến chất lượng giống, vườn ươm, ưu tiên nguồn kinh phí làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển. Lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ giống, phân bón; đưa cây quế vào kế hoạch trồng rừng hằng năm của xã, đồng thời có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ cây quế.
Từ hiệu quả kinh tế mà cây quế đã mang lại, trong thời gian tới, huyện Văn Bàn đề ra chủ trương phát triển vùng trồng quế hữu cơ, chú trọng phát triển, quy hoạch vùng trồng quế nguyên liệu. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm quế chất lượng cao đầu tư vào huyện Văn Bàn; phấn đấu hoàn thiện nhà máy sản xuất và chế biến quế hữu cơ Lào Cai của Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam tại xã Liêm Phú trong năm 2022, tạo cơ hội để khai tác tối đa, nâng cao chất lượng sản phẩm quế Văn Bàn.