Đến hết năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu được hưởng theo phân cấp trên địa bàn huyện Văn Bàn đạt 175 tỉ đồng. Giá trị sản phẩm trên ha đất canh tác tăng ấn tượng, từ 83 triệu đồng năm 2020 lên 87 triệu đồng năm 2021. Thu nhập bình quân/người/năm đạt 48,9 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,05%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,48%.
Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, huyện Văn Bàn đã tập trung lãnh đạo, ban hành các chủ trương phù hợp, đồng thời đẩy mạnh tuyên tuyền, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đến hết năm 2021 toàn huyện đạt 359 tiêu chí/21 xã, bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã; hiện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực công nghiệp của Văn Bàn cũng có bước phát triển khá. Cùng với duy trì khai thác quặng sắt phục vụ cho ngành luyện kim và fenpast, huyện chú trọng quy hoạch cụm công nghiệp gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, chủ trương khai thác hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường được quan tâm. Những bất cập trong khai thác tài nguyên được chấn chỉnh và từng bước khắc phục. Trên 1.568 ha rừng được trồng mới, đưa tỷ lệ tán che phủ rừng lên gần 65,8%, cao nhất trong các địa phương của tỉnh. Đây là minh chứng cho thấy quyết tâm gắn phát triển với bảo vệ môi trường. Màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng trồng, tiếp nối với đại ngàn nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Hoàng Liên – Văn Bàn, được gìn giữ nghiêm ngặt, trở thành lá phổi xanh của huyện.
Bộ mặt nông thôn Văn Bàn có nhiều đổi thay nhờ các chính sách phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, hiệu quả.
Đô thị Văn Bàn cũng có sự đổi thay vượt trội. Các tuyến đường kết nối trung tâm hành chính huyện với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã hình thành hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ. Với mục tiêu phát triển hài hòa, huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng tại trung tâm xã, địa bàn vùng cao, nông thôn, vùng khó khăn. Những con đường nông thôn mới rải nhựa hoặc bê tông nối dài đến những bản làng trước kia vốn rất đối xa xôi đang góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cải thiện điều kiện đi lại của người dân. Hiện nay 100% số xã đã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn, tổ dân phó có điện lưới quốc gia mỗi người dân không chỉ được tiếp cận với những tiện nghi của cuộc sống hiện đại mà còn khai thác tiện ích của Internet vào việc kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm.
Xác định phát triển giáo dục đào tạo có ý nghĩa quyết định tới sự thay đổi con người Văn Bàn, nhất là về chất lượng nguồn nhân lực. Sau thành phố Lào Cai, giáo dục Văn Bàn được đánh giá là địa phương đứng tốp đầu của tỉnh về chất lượng. Phòng học, nhà nội trú cho học sinh được ưu tiên đầu tư, đưa học sinh tại điểm trường lẻ về trường chính, tạo cơ hội cho con em vùng khó khăn đến trường thuận tiện. Toàn huyện có 75/85 trường học đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Giáo dục Văn Bàn cũng là nói đến nhiều mô hình tiêu biểu, sáng tạo, giáo dục gắn liền với thực tiễn.
Lĩnh vực y tế, văn hóa – thể thao – truyền thông của Văn Bàn cũng phát triển. Cùng với chăm lo tốt cho sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở, huyện coi trọng bảo tồn, phát huy, góp phần giáo dục truyền thống và tạo ra các sản phẩm mới phục vụ du lịch. Ngày nay, âm thanh của cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến tận bản làng, thôn xóm, nhưng những làn điệu then, khắp nôm của đồng bào Văn Bàn vẫn có sức hút lạ thường. Ai đi đâu, về đâu, dẫu có cách xa bao lâu, xin đừng quên mảnh đất này… Khi câu hát vang lên là ta lại thấy nao nao, nhớ về một Văn Bàn yêu thương, sâu nặng nghĩa tình và giàu lòng mến khách.