LCĐT – Việc đầu tư áp dụng máy móc vào sản xuất nông – lâm nghiệp sẽ giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ giới với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn; nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đây là một trong những giải pháp của địa phương để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt từ 120 triệu đồng/ha trở lên.
Nhiều công đoạn trong sản xuất nông – lâm nghiệp ở Văn Bàn vẫn được thực hiện thủ công. |
Theo thống kê của huyện Văn Bàn, trên địa bàn hiện có hơn 9.300 máy móc cơ giới hóa các loại phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản.
Quá trình sản xuất được cơ giới hóa giữa các lĩnh vực không đồng đều, lĩnh vực trồng trọt có tỷ lệ cơ giới hóa cao hơn và giảm dần ở các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong từng ngành cũng không đều giữa các lĩnh vực, tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất là trên diện tích cấy lúa nước, như: Khâu làm đất và thu hoạch 95%, phun thuốc bảo vệ thực vật 100% diện tích gieo cấy…
Cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, lĩnh vực lâm nghiệp, khâu làm đất chỉ chiếm 1%, khâu chăm sóc chiếm khoảng 2%, riêng khâu thu hoạch chiếm khoảng 85% diện tích; lĩnh vực sản xuất thủy sản, khâu thức ăn được thực hiện cơ giới hóa chiếm khoảng 15%, còn lại các khâu khác đều thực hiện thủ công.
Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông – lâm nghiệp sẽ giúp huyện Văn Bàn nâng cao hiệu quả và giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác. |
Giai đoạn 2022 – 2025 huyện Văn Bàn sẽ đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, nổi bật như: Khâu làm đất, chăm sóc cơ giới hóa chiếm khoảng 80% diện tích đất; khâu thu hoạch, máy móc được sử dụng chiếm khoảng 95% trong tuốt lúa, tẽ ngô.
Trong chăn nuôi, 100% trang trại lớn sử dụng cơ giới hóa trong chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại, khu giết mổ tập trung áp dụng 100% cơ giới hóa trong các khâu chế biến…
Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cũng được đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu theo các mức tương ứng, phù hợp tình hình thực tế địa phương.
Huyện Văn Bàn cũng xác định mục tiêu đầu tư cơ giới sản xuất nông – lâm nghiệp đến năm 2030, mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng máy móc, thiết bị và chuyển giao kỹ thuật; công tác dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa tập trung…